Guru yoga và thực hành nghi quỹ Quan Âm
Một trong những pháp thực hành quan trọng nhất của Kim Cương thừa là Guru Yoga. Guru Yoga có nghĩa là phương pháp tu tập xây dựng nhịp cầu nối tâm linh với Căn bản Thượng sư. Căn bản Thượng sư là hiện thân của ba đời chư Phật, chư đại Bồ tát. Ví dụ như với đức Phật Di Đà hay Bồ Tát Quán Thế Âm.
Trong truyền thống Kim cương thừa, có rất nhiều các pháp thực hành khác nhau nhưng Guru Yoga là một pháp thực hành căn bản, giúp hành giả hợp nhất với tâm giác ngộ của căn bản Thượng sư trong hình tướng của một vị Phật hoặc một vị Bồ tát, như quán tưởng bậc Thầy trong hình tướng đạo sư Liên Hoa Sinh, trong hình tướng đức Phật A Di Đà hay Bồ tát quán thế âm. Bởi vậy Guru Yoga cũng có thể gọi là Thượng sư Tương ưng Pháp. Nghi quỹ thực hành Bồ tát quán thế âm là Guru Yoga hợp nhất với việc quán tưởng Thượng sư trong hình tướng của đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Đó là phương pháp giúp mỗi người khai triển trí tuệ và tình yêu thương nơi mình. Trong đời sống này, đặc biệt trong xã hội hiện đại, càng cần có từ bi và trí tuệ. Mọi việc làm chúng ta đều cần tâm từ bi, bằng không việc làm đó không thể đem lại lợi ích. Do đó phát triển từ bi và trí tuệ là rất quan trọng.
Guru Yoga là pháp thực hành vô cùng quan trọng trong Kim Cương thừa. Trong truyền thống Thượng tọa bộ và Đại thừa không đề cập tới Thượng sư tương ưng pháp. Tất nhiên, nếu chưa có tri thức căn bản về Phật pháp và về Kim cương thừa thì cũng không dễ gì có thể hiểu được ý nghĩa pháp tu này. Guru nghĩa là gì? Guru bao gồm thượng sư bên ngoài, bên trong và bí mật. Thượng sư bên ngoài chính là Bậc Thầy gốc trong hình tướng loài người, ngài là hiện thân của Tăng già, Thượng sư bên trong chính là Pháp bảo tôn quý của đức Phật, mà chúng ta được đón nhận từ căn bản Thượng sư bên ngoài, Thượng sư bí mật chính là bản tâm giác ngộ của mỗi chúng ta. Guru Yoga là phương pháp tiếp cận với Thượng sư, các ngài là hiện tướng Tăng già, các ngài giúp chúng ta khai mở tuệ giác, chứng đạt bản chất Phật – thể tính của chính chúng ta.
Kim cương thừa là pháp thực hành quan trọng và rất thực tiễn. Kim cương thừa nhấn mạnh tới Tăng già. Tăng già là quan trọng nhất. Vị trí của Tăng già được đặt lên hàng đầu. Mà căn bản Thượng sư là đại diện của Tăng già. Đối với Kinh thừa lại khác. Đại thừa Phật giáo đặt tầm quan trọng của giáo pháp lên hàng đầu. Giáo pháp là quan trọng nhất, nếu không có giáo pháp chúng ta không thể tu tập, chứng đạt giác ngộ giải thoát. Còn Phật giáo Nguyên thủy đặt tầm quan trọng tới đức Phật Thích Ca, bậc khai sáng giáo pháp giải thoát. Đây là một vài điểm đặc trưng của ba thừa Phật giáo.
Trong tu tập Kim Cương thừa, nhấn mạnh tới bậc thượng sư bên ngoài. Thực tế cuộc sống chúng ta nhấn mạnh quy y bậc Thầy. Bậc Thầy là căn bản thượng sư, là người mà chúng ta trực tiếp đón nhận giáo pháp. Các ngài là người chúng ta có thể diện kiến, giúp chúng ta khai mở trí tuệ và tâm từ bi nơi chính mình. Ngài là bậc Thầy bên ngoài hay còn gọi là Tăng già.
Guru hay bậc thầy bên ngoài là vô cùng quan trọng. Tại sao thế? Bởi nói về mặt tuyệt đối, đức Phật chưa từng nhập diệt nhưng vì vô mình che lấp nên chúng ta không thể kết nối trực tiếp được với đức Phật. Giáo pháp của Ngài vẫn thường trụ, nhưng chúng ta không đủ trí tuệ và phẩm hạnh để thấu hiểu được, bởi vậy căn bản Thượng sư của mình trở nên vô cùng quan trọng. Ngài là nhip cầu trung gian giúp chúng ta kết nối được với đức Phật và giáo pháp tinh túy. Thượng sư bên ngoài với đầy đủ phẩm hạnh và trí tuệ nội chứng, giúp chúng ta thấu hiểu và chứng đạt thượng sư bên trong, qua đó chứng đạt được thượng sư bí mật. Đức Pháp vương dạy rằng, trong truyền thống Kim cương thừa, nhấn mạnh tới việc quy y một bậc Thầy đầy đủ sự nội chứng và các phẩm hạnh thanh tịnh, nếu không có hướng đạo của bậc thầy thì chúng ta không thể tu tập, thực hành giáo pháp. Chúng ta hiện giờ đây chưa đầy đủ trí tuệ, nếu chúng ta không có dẫn dắt của bậc thầy chúng ta sẽ không thể có phương hướng trên con đường tu tập tâm linh của mình. Do đó bậc thầy giác ngộ trong hình tướng loài người là vô cùng quan trọng. Một bậc Thầy đủ sự nội chứng và phẩm hạnh có khả năng dẫn dắt, hướng đạo cho chúng ta. Cũng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta chọn sai một bậc thầy. Chúng ta sẽ bị dẫn sai đường, lạc lối nếu bị dẫn dắt bởi một bậc thầy chưa đủ phẩm hạnh. Một bậc thầy với đầy đủ khả năng nội chứng bên trong sẽ giúp chúng ta tiến từng bước vững chãi trên con đường tu tập tâm linh. Bậc Thầy trí tuệ chính là hóa thân chư Phật, chư Bồ tát. Vì thương xót chúng sinh vô minh nên các ngài đã hóa thân từ cảnh giới giải thoát, đến với thế giới này, để dẫn dắt cứu độ chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử. Như vậy, pháp thực hành Guru Yoga giúp hành giả kết nối và có thể nương tựa nơi một bậc Thầy đầy đủ phẩm hạnh giác ngộ.
Tại sao thượng sư bên ngoài lại được đặt ở vị trí quan trọng nhất trong truyền thống Kim Cương thừa. Tại sao bậc Thầy bên ngoài lại quan trọng như vậy? Bởi vì bậc thầy là kết tinh của mười phương ba đời chư Phật. Lời của Ngài là Pháp bảo tôn quý, tâm của Ngài là bản chất Phật Đà. Chúng ta cần quy y nương tựa một bậc thầy giác ngộ. Kính ngưỡng căn bản Thượng sư quan trọng hơn cả đức Phật, bởi chỉ thông qua bậc Căn Bản Thượng sư, chúng ta mới có thể tiếp cận được với Phật, Pháp, Tăng. Căn bản Thượng sư là hiện thân của Bồ tát Quán thế âm, là hiện thân của đạo sư Liên Hoa sinh. Mặc dù ngay vào giây phút này đây, chúng ta có thể chưa tin, chúng ta có thể khởi nghĩ rằng ngài là người nữ, người nam, với thân vật chất, vật lý vậy làm sao thầy lại là hiện thân của Bồ tát? Thực sự hiện thân ở đây không phải là về phương diện vật lý mà là hiện thân trí tuệ và sự nội chứng bên trong. Đối với một hành giả Kim cương thừa, cần phải luôn nhấn mạnh về thân giác ngộ, sự nội chứng sâu thẳm bên trong. Do đó, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm rằng, dù ở hình tướng nào, các ngài cũng đều là hiện thân của chư Phật. Bậc Thượng sư chính là đối tượng quy y trong Kim Cương thừa. Hành giả phải luôn ghi nhớ và hiểu rõ. Điều tôi đang cố luận giải tới các bạn là thượng sư có nghĩa là lama, một tăng già có đầy đủ phẩm hạnh. Thượng sư bên ngoài có thể trợ giúp phát triển thượng sư bên trong và tiến tới chứng đạt Thượng sư bí mật, tức là sự giác ngộ. Đức Pháp vương có nói tới các truyền thống Phật giáo. Guru Yoga là phương thức thực hành, là đặc trưng của Kim cương thừa. Bậc Thầy là hiện thân trong hình tướng Tăng già. Phẩm chất của ngài là phẩm chất giác ngộ, ta có thể tiếp cận trực tiếp với các ngài, ta có thể lãnh ngộ giáo pháp nơi ngài. Thông qua đó giúp chúng ta nhận biết bậc thầy bên trong, thông qua thực hành giáo pháp, lãnh hội bậc thầy, từ đó chứng đạt phật quả, tức là thượng sư bí mật. Đó là lý do tại sao Kim cương thừa nhấn mạnh tới thượng sư bên ngoài. Bởi vậy chúng ta cần đặt trọn niềm tin vào thượng sư bên ngoài, phẩm hạnh của ngài mở rộng lan tỏa khắp không gian, vũ trụ. Đối với một quan kiến thanh tịnh, chúng ta không được coi ngài là người nam, nữ hay một vị tăng thông thường, mà phải thấy thầy là hiện thân Tăng già, là tinh túy của mười phương Tam thế Phật. Ngài là toàn thể vũ trụ. Đây chính là nghĩa của Guru Yoga, là phương pháp thực hành để khai mở tình yêu thương, mở rộng lòng mình hòa nhập với vũ trụ. GuruYoga là phương cận hợp nhất với tâm giác ngộ của căn bản Thượng sư.
Đức Pháp vương dạy rằng có hàng triệu phương cách và phương pháp thực hành Yoga. Guru Yoga là phương cách rất thiết thực và căn bản trong truyền thống Kim cương thừa. Điểm tương đồng trong tất cả các thừa là phát triển từ bi và trí tuệ. Đây cũng là hai phương diện chính trong truyền thống Kim cương thừa. Đức Pháp vương đã dạy rằng, Guru Yoga có nghĩa là lan tỏa, mở rộng tới khắp vũ trụ. Đây là phương pháp thiết thực hàng ngày đối với mỗi người chúng ta, giúp chúng ta mở rộng lòng mình, mở rộng tâm hồn để cảm thông hơn, bao dung hơn. Guru Yoga có nghĩa là lan tỏa tâm từ bi, tình yêu thương, ôm trọn vẹn vũ trụ trong tình thương và từ bi của chúng ta. Đây không chỉ là mục đích sự phát triển cá nhân, mà là bao trùm toàn bộ vũ trụ. Do đó ta phải nương theo giáo pháp của bậc Thượng sư.
Ngài dạy phương pháp tu tập này không chỉ quan trọng đối với đời sống tâm linh, mà quan trọng hơn nữa là giúp chúng ta làm thế nào sống cuộc đời này một cách an bình, trí tuệ trong tình thương yêu của mỗi người. Trong một gia đình, các thành viên trong gia đình cần phải thương yêu, cảm thông, tha thứ lẫn nhau thì gia đình đó mới có hạnh phúc. Như vậy một xã hội muốn có hòa bình, hạnh phúc, con người càng phải mở rộng lòng mình, ban trải tình yêu thương đến với mọi người. Ân phước mà một bậc căn bản Thượng sư ban cho chúng ta không gì hơn là giáo pháp, là kinh nghiệm chứng ngộ của ngài, giúp rộng mở chan trải tình thương với con người cũng như mọi loài.
Đức Pháp vương cũng đã dạy lời trì tụng đã được dịch sang tiếng Việt bởi vậy chúng ta hãy cố gắng hiểu những lời trì tụng để có thể tăng trưởng tín tâm hơn đối với giáo pháp.
Tiếp đến đức Pháp vương đã luận giải và cử hành nghi thức cúng dường mandala, sám hối tịnh hóa nghiệp chướng. Đức Pháp vương dạy rằng, phương pháp tu tập này giúp tích lũy công đức, cúng dường mang lại sự giàu có về vật chất và tâm linh ở đời này và vô số đời sau. Chúng ta cúng dường lên Tam bảo, lên thượng sư, chư Bách thần hộ Pháp và tới tất cả mọi người và vô lượng chúng sinh. Chúng ta có thể cúng dường pháp thí, như chia sẻ giáo pháp, trợ giúp tâm linh cho người khác, cúng dường tài thí như cúng dường cơm ăn, thuốc men, quần áo, những thứ đơn giản nhất mà chúng ta có để mang lại cho người khác một đời sống bình an. Cúng dường bố thí là một phương pháp chuyển hóa bản ngã vô minh, giúp chúng ta tu tập hạnh bố thí, mở rộng vòng tay của mình, chia sẻ từ vật chất đến tinh thần với mọi người để tích lũy công đức và giảm thiển bản ngã của chúng ta.
Tiếp đến đức Pháp vương đã cử hành và luận giải kỹ về phương pháp sám hối tịnh hóa nghiệp chướng. Ngài dạy rằng, trong đời sống của mình, chúng ta rất vô minh, chúng ta phạm rất nhiều tội lỗi trong đời này và vô số đời trước. Nhiều người cho rằng, trong đời này, mình không tạo lỗi, mình hoàn toàn thanh tịnh. Ý nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm. Thực chất chúng ta rất dễ dàng phạm và tạo rất nhiều nghiệp bất thiện. Bởi vậy chúng ta cần phải sám hối trước Tam bảo, vũ trụ và quan trọng là sám hối với lương tâm chính mình, để xa lìa nghiệp bất thiện. Chúng ta trì tụng thần chú, thành tâm sám hối và nguyện quyết tâm từ nay không tạo tội lỗi như vậy nữa. Sám hối là một phương pháp vô cùng quan trọng và đầy uy lực trong Kim Cương thừa.
Đức Pháp vương cũng đã giảng giải rất kỹ về việc quán tưởng khi trì tụng thần chú Quán Thế âm. Ở đây có điểm khác biệt giữa phương pháp Kim cương thừa và Đại thừa. Trong Phật giáo Đại thừa, chúng ta trì tụng danh hiệu đức Phật, quán tưởng chư Phật là hình ảnh bên ngoài, đối diện trước mặt chúng ta. Đó là hình ảnh chúng ta lấy làm đối tượng tu tập. Cách quán tưởng như vậy là thông thường, chưa phải là tuyệt đối. Trong Kim cương thừa có điểm khác biệt. Ở đây chúng ta cần quán tưởng các ngài không phải là đối tượng bên ngoài, mà phải quán tưởng ngài bất khả phân với căn bản thượng sư của mình. Hành giả cần phải thiền định trong trạng thái tâm bất khả phân với căn bản thượng sư. Ví dụ như: Quán tưởng đức Quán âm trong tâm giác ngộ của mình và thiền định bản thân trong trạng thái bất khả phân với Bồ tát Quán thế âm. Tâm nguyện khi thực hành không phải chỉ để cầu nguyện những mục đích thế gian mà quan trọng là khi thực hành trì tụng thần chú, phải cầu nguyện giúp đỡ cho người khác, mục đích chính là để có trí tuệ và từ bi giác ngộ bất khả phân với Bồ tát Quán thế Âm.
Ngài cũng đã dạy mọi người quán tưởng tự thân là đức Bồ tát quán thế âm. Thân ta không còn là thân bằng máu thịt vật chất thông thường nữa mà lúc này là thân thanh tịnh của đức Bồ tát quán thế âm. Phía trên đỉnh đầu, chúng ta hãy quán tưởng, đức Phật Di đà bởi vì ngài là bản thể của tất cả các Bậc Thượng sư. Khi trì tụng chân ngôn, hành giả cũng cần phải an trụ trong trạng thái vô niệm.
Pháp vương cũng luận giải rất kỹ về ý nghĩa và mục đích nghi thức cúng dường Ganachakra. Gana có nghĩa là trí tuệ căn bản, chakra có nghĩa là thể hiện bằng hành động qua tình yêu thương và trí tuệ hiểu biết. Nghi thức này thể hiện sự hợp nhất trí tuệ và tình yêu thương.
Tất cả các lễ phẩm chia xuống mà hành giả có thọ dụng thể hiện phần trí tuệ và từ bi. Như vậy hành giả phải giữ tâm an tĩnh và thanh tịnh khi thọ dụng phẩm vật cúng dường được ban xuống.
Cuối cùng đức Pháp Vương cũng căn dặn rằng, mọi người đã vừa được ngài truyền trao quán đỉnh Quán thế âm, có nghĩa là mọi người đã phép thực hành nghi quỹ này. Tuy nhiên để thành tựu pháp tu tập, mọi người cần thực hành mỗi ngày hoặc cũng có thể trì tụng theo Phương pháp của Phật giáo Đại thừa để phát triển tình thương và trí tuệ, đem ánh sáng trí tuệ cho mọi người và mọi loài.
Bài giảng pháp của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII,
Nguồn: Drukpa Việt Nam
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Buổi họp mặt các vị Ni trẻ toàn quốc
Buổi họp mặt các vị Ni trẻ do Phân Ban Ni giới Trung ương tổ chức sáng ngày 14/12/2013 tại Chùa Phước Hải, Q.10, Tp. HCM nhằm kêu gọi chư Ni trẻ sau
Những phát hiện mới về Đức Phật
Nghiên cứu mới đã cung cấp chứng cứ khảo cổ đầu tiên về sinh quán của Đức Phật, được xác định vào thế kỷ thứ 6 trước CN. Giới tăng
GHTT – Kì 73: Làm thế nào để biết chính mình?
Vào lúc 14h34, ngày 05/01/2019 (30/11 Mậu Tuất), Ngài Gyalwa Dokhampa (Khamtrul Rinpoche) cùng Tăng đoàn dòng truyền thừa Drupka, quang lâm đến Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận), chia