Pháp Vương Drukpa tiết lộ bí mật của hạnh phúc
Lễ ra mắt sách “Giác ngộ mỗi ngày” của Đức Pháp Vương Phật giáo Kim cương thừa là dịp chuyện trò cởi mở giữa Ngài với độc giả về hành trình đi tìm niềm an lạc.
Sáng 16/4 tại TP HCM, buổi ra mắt cuốn sách Giác ngộ mỗi ngày của Pháp Vương Gyalwang Drukpa, diễn ra tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM. Khoảng 9h30 chương trình mới bắt đầu, nhưng trước đó vài giờ, các phật tử tề tựu khá đông để chờ giây phút diện kiến, lắng nghe những chia sẻ của Pháp Vương.
Cuốn Giác ngộ mỗi ngày – Bước chân an lạc trong thời hiện đại có bản quyền thuộc về Nhà xuất bản Penguin. Tác phẩm này là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới ngay từ lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 2012, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng ở khoảng 20 quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Italy, Trung Quốc… Đây là lần đầu tiên sách phát hành tại Việt Nam và được bạn đọc ở nhiều độ tuổi đón nhận, trong đó có không ít độc giả trẻ.
Đức Pháp Vương Drukpa tại buổi giới thiệu sách.
Sách được người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa thế giới – là Ngài Gyalwang Drukpa – viết ra. Dù vậy, ấn phẩm này không lạm bàn vấn đề tôn giáo mà đi sâu phân tích, lý giải rất nhiều vấn đề trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người. Với văn phong súc tích, minh triết và bố cục trong sáng, dễ hiểu, sách mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm, lời khuyên bổ ích để tìm đến nghệ thuật sống tu thân trong an nhiên. Nhận xét về cuốn sách này, nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói: “Giác ngộ mỗi ngày như những bước chân không biết mỏi, khoan thai nhưng đầy lòng quả quyết, kiên trì đi tới đích. Đích đến của hành trình này chẳng tính bằng một khoảng cách hay mốc không gian cụ thể nào mà chính là sự thức tỉnh, tự khám phá lại chính mình. Trong sách viết, đó là hành trình từ ‘ngã’ đến ‘vô ngã'”.
Nhiều độc giả tham gia chương trình dành thời gian chia sẻ cảm nhận và đặt các câu hỏi xoay quanh ấn phẩm của Đức Pháp Vương. Câu hỏi mà Pháp Vương Drukpa dành nhiều thời gian để tọa đàm chính là: làm thế nào khai phá chữ “tâm” ở mỗi con người và hành trình tìm kiếm hạnh phúc của đời người.
Với phong thái trò chuyện giản dị và hóm hỉnh, Pháp Vương Drukpa kể, khá nhiều người khi gặp Ngài thường đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có được nụ cười luôn rộng mở và an nhiên như Ngài?”. Để trả lời câu hỏi này, Pháp Vương Drukpa cho rằng, không chỉ có con người mới biết mưu cầu hạnh phúc, mà cả động vật và những sinh linh khác cũng đều chung mục đích này khi tồn tại giữa cuộc đời. Vì thế, bí mật của hành trình tìm đến hạnh phúc không ở đâu xa mà ở sự quan tâm, chia sẻ và hành động của mỗi người hướng đến tha nhân, vạn vật chứ không chỉ gói gọn trong hành trình tìm đến hạnh phúc thế tục.
“Tôi muốn nói đến niềm vui và hạnh phúc chân thực khi chúng ta sử dụng năng lực, trí tuệ và toàn bộ sức khỏe của mình để góp phần mang lại lợi ích cho người khác, đem sự an bình cho mọi người. Thế hệ trẻ là thế hệ đầy năng lượng, sức khỏe và trí tuệ. Vì thế, các bạn không nên chỉ chăm chăm tìm hạnh phúc cho riêng mình, lãng phí đi những điều tốt đẹp đó. Bởi vậy, theo tôi, dành thời gian giúp ích cho bè bạn, cho gia đình và cho người thiếu may mắn, người bệnh tật và nghèo khó, bảo vệ động vật, môi trường, hướng cuộc sống của mình đến lợi ích đúng đắn… là hành trình đi đến hạnh phúc”, Pháp Vương Drukpa chia sẻ.
Ngài cũng bật cười khi một doanh nhân đặt vấn đề xoay quanh “nghệ thuật sống chậm” được đề cập trong cuốn sách. Vị độc giả cho rằng, liệu có mâu thuẫn khi Đức Pháp Vương khuyên nhủ mọi người tìm đến niềm an lạc qua lối sống chậm nhưng bản thân Ngài lại có cuộc sống thật sự bận rộn với rất nhiều hoạt động khác nhau trong xã hội. Đức Pháp Vương lý giải, lời khuyên của Ngài không nhằm khuyên con người trì trệ, không bảo người ta đừng làm việc nữa, cứ ăn, chơi và ngủ. Ngược lại, bản thân mỗi người cần hướng đến sự năng động, tích cực làm việc, học tập. Nhưng đừng quên dành cho tâm trí, tinh thần sự thư giãn, nhẹ nhàng ngay cả những lúc bận rộn nhất. Đó là phương cách để giữ cho bản thân được cân bằng trong đời sống hiện đại.
Trước những bộc bạch của Đức Pháp Vương, một độc giả cao tuổi đứng dậy nghẹn ngào trong chốc lát, ông giãi bày, mình vốn là người ương ngạnh, ưa lý luận, có cá tính hơi hoang đàng. Nhưng trước những chia sẻ mà Đức Pháp Vương đề cập đến trong cuốn sách, không hiểu sao ông cảm thấy hạnh phúc dâng trào và không thể nói được gì.
Nhiều độc giả tìm đến cuốn “Giác ngộ mỗi ngày” khi tham gia buổi ra mắt sách.
Tham dự buổi tọa đàm, Tiến sĩ Thang Đức Thắng, Tổng biên tập báo điện tử VnExpress chia sẻ, trải qua hành trình dài của cuộc đời mình, với hàng chục năm phấn đấu, làm lụng để gầy dựng sự nghiệp và hạnh phúc, ông cũng như nhiều bạn bè có lúc dừng lại và tự hỏi: “Mình tranh đấu như vậy để được cái gì?”. Ông mong được hội ngộ một người thầy, một ai đó thực sự thông tuệ để có thể chỉ ra cho mình những phấn đấu, mưu cầu trong đời sống đấy có đúng hay không. Rồi khi tìm đọc Giác ngộ mỗi ngày, Tiến sĩ Thắng khám phá ra nhiều điều mà từ lâu ông hằng tìm kiếm.
“Với cá nhân tôi, có hai điểm trong cuốn sách khiến tôi rung cảm. Thứ nhất, trong cuộc đời này, điều quan trọng để một người có thể gặp nhiều may mắn là phải giữ lòng biết ơn. Lòng biết ơn được đề cập đến trong sách thật sinh động. Nhất là những trang Đức Pháp Vương viết về cha mẹ của Ngài và tình cảm của cha mẹ dành cho Ngài. Lòng hiếu thảo trong cuốn sách làm cho tôi nhớ lại những cảm xúc thấm sâu và tận đáy lòng mà bản thân dành cho cha mẹ mình. Điểm thứ hai, tôi rất ghi nhận những giảng giải của Đức Pháp Vương về bản ngã. Bản ngã đôi khi có thể hiểu thực chất là những nhãn mác mà chúng ta tự gắn cho mình hay người khác. Ví dụ như, trong gia đình, khi cha mẹ gắn nhãn mác cho đứa con của mình và chất lên chúng gánh nặng bản ngã. Đó cũng là lúc cha mẹ vô tình tước mất niềm hạnh phúc của con. Sách không chỉ mang đến những bài học cho tôi mà còn giúp tôi công cụ để giáo dục con cái”, Tiến sĩ Thắng lý giải những trải nghiệm cảm xúc sau khi đọc sách.
Đức Pháp Vương và tăng đoàn dành thời gian tham gia buổi triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Yêu thương trong hành động”.
Lắng nghe buổi tọa đàm, diễn viên Kim Khánh, một trong những độc giả đến tham dự chương trình cho biết, chị rất vui vì học hỏi được nhiều điều bổ ích từ cuốn sách Giác ngộ mỗi ngày cũng như từ những lời chia sẻ của các đại biểu. Được hạnh ngộ Đức Pháp Vương Drupak cũng là niềm hạnh phúc của chị.
Sau buổi tọa đàm, giới thiệu sách, Đức Pháp Vương Drukpa còn dành nhiều thời gian để cùng tăng đoàn, các phật tử tham quan triển lãm ảnh chủ đề: “Yêu thương trong hành động”. Triển lãm gồm 137 tác phẩm nhiếp ảnh và bộ tranh đá quý về cuộc đời, tâm nguyện, những hoạt động, khoảnh khắc của Đức Pháp Vương Drukpa khi Ngài đến với người dân ở Himalaya cũng như người dân khắp thế giới. Hoạt động này diễn ra tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, kéo dài từ ngày 16 đến 20/4.
Bài, ảnh: Thoại Hà
Theo Vnexpress
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Hơn 300 bạn trẻ cùng cảm nhận “Xuân Yêu Thương” tại QATV
Mùa xuân là mùa của đoàn tụ, của yêu thương. Mỗi dịp tết đến, xuân về, mọi người thường trao nhau những lời chúc tốt đẹp, những lời nói yêu
Chương Trình lễ Vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19/9 Mậu Tuất
QUAN ÂM TU VIỆN THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH LỄ VÍA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM 19/9 ÂM LỊCH (Thứ Bảy, 27/10/2018) & CHIÊM BÁI THÁNH TƯỢNG QUAN ÂM BẰNG HỔ
THÔNG BÁO PHÁT QUÀ TỪ THIỆN CHO BỆNH NHÂN PHONG CÙI TRẠI VÂN MÔN, THÁI BÌNH
Kính thưa quý Phật tử, Nhân tiện Sư Bà Viện Chủ QATV về quê thăm quê hương Thái Bình và thăm các bệnh nhân phong cùi tại trại phong Vân