Sách: Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
18/04/2013 138 Lượt xem

Sách: Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng

Mật tông, hay Kim Cang thừa, là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Đại thừa Phật giáo, sau Bát nhã và Duy thức; và Tây Tạng được xem là nơi cất giữ một cách trọn vẹn tinh túy Mật tông Ấn Độ. Mặc dù được truyền vào từ cuối thế kỷ thứ VIII bởi ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) và phát triển mạnh vào thế kỷ XI do đóng góp của ngài Atisa, song mãi vào năm 1959, Mật tông Tây Tạng mới bắt đầu được truyền bá ra khắp thế giới.

Mật tông vốn truyền vào Việt Nam từ khá sớm. Theo Thiền uyển tập anh, vào thế kỷ thứ VI, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền.

Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam. Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 – dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành – đều khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó.

Cho đến nay, hầu chưa có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào về lịch sử Mật tông được công bố. Những khó khăn về mặt sử liệu có thể làm nản lòng ngay cả các nhà nghiên cứu nhiệt tình và nghiêm túc nhất, bởi họ gần như không biết phải bắt đầu từ đâu, và cũng không có gì nhiều ngoài những mảnh vụn rải rác trong các truyền thuyết, hoặc những trích dẫn không mang tính hệ thống từ lời dạy của các bậc thầy Mật tông trước đây và hiện nay.

Khác với giai đoạn trước đây luôn được giữ kín trong núi cao rừng rậm với những bậc thầy ẩn mình hoàn toàn không giao tiếp với thế giới bên ngoài, ngày nay với những phương tiện thông tin của thế kỷ 21, Mật tông đã được quá nhiều người biết đến qua những nguồn thông tin khác nhau. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận những nguồn thông tin chính xác và toàn diện vẫn còn là điều rất hiếm khi có được. Điều thường xảy ra hơn là có rất nhiều người quan tâm đến Mật tông nhưng lại hiểu biết rất ít, hoặc thậm chí sai lệch về tông phái này. Điều đó có thể dẫn đến vô số những nhận thức và hành vi sai lầm đáng tiếc cho bản thân cũng như cho mọi người chung quanh, vì chúng ta đều biết là khi một sai lầm không được sửa chữa thì chắc chắn nó sẽ dẫn đến rất nhiều sai lầm khác. Phần lớn những ai quan tâm đến Mật tông, đặc biệt là thế hệ trẻ, chỉ có được những phần thông tin rời rạc, phiến diện và rất nhiều khi sai lệch. Qua nhiều lần tiếp xúc với các bạn trẻ quan tâm đến Mật tông, tôi đã nhận ra một thực tế là có rất nhiều bạn hiểu sai về Mật tông, và nguyên nhân chính là vì không có được những nguồn thông tin đầy đủ và chính xác.

Trong tình hình đó, trước khi có được những công trình nghiên cứu toàn diện và đáng tin cậy về Mật tông ra đời thì một vài nỗ lực nhỏ hơn trong việc giới thiệu đến quý độc giả, nhất là các bạn trẻ, những nét chính xác và cơ bản nhất về tông phái này có lẽ cũng là điều cần thiết.

Thông qua việc kể lại cuộc đời của các vị đại sư tái sinh thuộc dòng Karma Kagyu (Cát-mã Ca-nhĩ-cư) được gọi là các vị Karmapa (Cát-mã-ba), cuốn sách “Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng” hy vọng sẽ có thể phác họa được những nét cơ bản nhất về Mật tông và sự tu tập hành trì của tông phái này. Hy vọng là qua đó người đọc sẽ có thể nhận ra được một điều: Mật tông hoàn toàn không phải là một tông phái thần bí và hoàn toàn xa cách với giáo lý căn bản của đạo Phật. Ngược lại, nền tảng giáo lý Mật tông thật ra cũng không gì khác hơn chính là những điều mà đức Phật đã từng truyền dạy. Tuy nhiên, các bậc đạo sư Mật tông đã có những vận dụng sáng tạo và độc đáo để thực hành và giảng dạy những giáo lý ấy theo cách riêng của mình, nhưng vẫn đảm bảo một điều là dẫn dắt người tu tập đi đến sự giải thoát, dứt trừ mọi khổ đau, phiền não.

Với mục đích như trên, việc sưu tầm và kể lại những câu chuyện về cuộc đời các vị đại sư tái sinh thuộc dòng Karma Kagyu trong sách này không chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể. Bởi vì thông qua cuộc đời của các bậc đạo sư này, người đọc sẽ tìm thấy vô số những chi tiết, những hình ảnh minh họa sống động về giáo lý Mật tông và sự tu tập hành trì giáo lý đó. Hiểu được những điều này cũng có nghĩa là hiểu được những nét cơ bản nhất của Mật tông qua thực tiễn hành trì chứ không phải qua sự diễn giải lý thuyết. Chính vì thế mà những hiểu biết này mới thực sự là chính xác và hữu ích.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến các bạn cuốn sách “Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng”của tác giả Nguyễn Minh Tiến, sáchdày 216 trang, kích thước 14,5 x 20,5 cm do Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản và Công ty Văn Hóa Hương Trang phát hành. Những gì được giới thiệu ở đây có lẽ chưa được xem là đầy đủ, nhưng hy vọng một điều là chúng có thể giúp ích phần nào cho những ai chưa từng biết đến Mật tông sẽ không còn thấy quá xa lạ và khó hiểu đối với tông phái này.

Về mặt lịch sử, cho dù những câu chuyện trong cuốn sách chỉ được truyền tụng trong dòng phái, nhưng chúng là những câu chuyện rất thật, bởi người được tiếp nhận sự truyền thừa gần đây nhất của dòng Karma Kagyu, vị Karmapa đời thứ 17 hiện vẫn còn đang sống như một chứng nhân lịch sử, và sự ra đời của ngài vào năm 1985 đã được dự báo trước một cách chắc chắn bởi vị Karmapa đời thứ 16 trước khi vị này viên tịch vào năm 1980. Như chúng ta sẽ thấy qua nội dung những câu chuyện kể, với một sự truyền thừa sống động trực tiếp qua từng thế hệ được kéo dài liên tục từ đầu thế kỷ 12 cho đến nay, không ai còn có thể hoài nghi về tính chất có thật và sự tái sinh của các vị Karmapa. Vì thế, những gì được ghi lại trong các câu chuyện kể này tuy không mang tính chất của những sử liệu chính thức, nhưng hoàn toàn có thể giúp chúng ta phác họa lại những bức tranh khá đầy đủ và chính xác về những quãng thời gian mà các vị đã từng tu tập và hoằng hóa.

Về mặt giáo lý, cuộc đời của các vị Karmapa là những tấm gương sống động minh họa cho chính lời dạy của các ngài, và xét cho cùng thì cũng chính là những lời dạy của đức Phật. Thông qua những tấm gương sống động đó, mỗi chúng ta có thể có một sự cảm nhận và học hỏi khác nhau, hoặc về đức từ bi, hoặc về sự nhẫn nhục, hoặc về sự tinh tấn… nhưng tất cả đều có thể xem là những bài học trực tiếp không thông qua sự diễn dịch bằng ngôn ngữ. Đây cũng chính là điểm đặc biệt nhất trong phương thức truyền thừa và giáo huấn của Mật tông từ xưa nay, vốn không bao giờ phụ thuộc vào ngôn ngữ.

Mặc dù vậy, sẽ là điều vô cùng khó khăn cho những ai chưa từng biết đến Mật tông khi phải tiếp xúc ngay với những câu chuyện đầy tính chất kỳ bí và sâu xa khó hiểu như thế này. Vì thế, có lẽ chúng ta cũng nên dành đôi chút thời gian để làm quen với một số khái niệm và kiến thức cơ bản nhất về Mật tông trước khi đi vào những câu chuyện kể về cuộc đời các vị Karmapa.

Về mặt lịch sử, sự ra đời của Mật tông trong dòng lịch sử phát triển của đạo Phật nói chung có rất nhiều điểm tương đồng với các truyền thống Đại thừa. Không ít người đã dựa vào sự xuất hiện khá muộn màng của cả Mật tông lẫn Đại thừa để cho rằng những phần giáo lý này chỉ là ngụy tạo, nghĩa là hoàn toàn không có trong giáo lý nguyên thủy của đức Phật mà chỉ do các thế hệ sau này tạo ra.

Tuy nhiên, cái gọi là lịch sử mà chúng ta đang nói đến thật ra không phải là những gì đã từng xảy ra, mà chỉ là những gì chúng ta may mắn biết được. Nếu so sánh những gì chúng ta biết được với những gì đã từng xảy ra thì thường là quá ít, và độ chính xác cũng chỉ là tương đối với những giới hạn nhất định mà bất cứ nhà sử học nào cũng có thể dễ dàng nhận ra.

Trong chừng mực giới hạn mà các dữ kiện đã có được hiện nay cho phép, các nhà nghiên cứu lịch sử đã phải công nhận sự hiện hữu trước đây của đức Phật Thích-ca là một sự thật. Điều này cũng chỉ mới xảy ra khá gần đây, khi các nhà khảo cổ khai quật được trụ đá chôn từ thời vua A-dục (274 – 236 trước Công nguyên), tại vườn Lam-tỳ-ni (Lumbini), trên đó khắc những dòng chữ xác nhận rằng đây chính là nơi đản sinh của đức Phật Thích-ca. Ngoài ra còn có nhiều trụ đá khác cũng do vị vua này tạo dựng ở nhiều nơi khác trên lãnh thổ mà ông trị vì, trên đó khắc những lời dạy của đức Phật. Các nhà nghiên cứu tin rằng vua A-dục sống vào khoảng hơn một thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt. Khoảng thời gian này không phải là quá xa để có thể xóa mờ đi những ảnh hưởng trực tiếp của một bậc thầy vĩ đại. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc rằng những gì vua A-dục được biết về sự ra đời của đức Phật là rất đáng tin cậy.

Từ góc độ của các nhà nghiên cứu lịch sử thì điều này mở ra một hướng nhìn hoàn toàn mới. Người ta bắt đầu cảm thấy cần phải thay đổi thái độ về những gì trước đây vẫn bị xem là đáng ngờ. Khi một tia sáng đã có thể lóe lên từ trong bức màn tối đen của quá khứ hơn 25 thế kỷ, thì người ta hoàn toàn có quyền hy vọng về những tia sáng khác nữa sẽ còn tiếp tục được phát hiện. Hơn thế nữa, tính cách hợp lý và sự phù hợp của những gì được rút ra khi nghiên cứu về nội dung giáo lý Đại thừa, và gần đây hơn là giáo lý Mật tông, khi so sánh với những giả thiết về mặt lịch sử có vẻ như càng củng cố hơn nữa niềm tin vào những cội rễ sâu xa của Đại thừa cũng như Mật tông, vốn rất có thể đã được hình thành ngay từ thời đức Phật còn tại thế.

Đó là xét về mặt lịch sử. Còn về mặt giáo nghĩa, chúng ta có sự thuận lợi hơn nhiều khi so sánh các phần giáo lý khác nhau của Đại thừa và Mật tông với những gì được gọi là kinh điển nguyên thủy. Dưới ánh sáng của những giáo nghĩa căn bản mang tính chất nhất quán và xuyên suốt trong mọi lời dạy của đức Phật, không ai có thể hoài nghi về những phần giáo lý hoàn toàn phù hợp những giáo nghĩa căn bản đó. Điều này đã được chính đức Phật nói ra trong kinh điển như một sự chỉ dạy về phương thức xác định những lời dạy của ngài. Theo đó, những giáo nghĩa căn bản gọi là Tam pháp ấn có thể được sử dụng như những dấu ấn để xác nhận một phần giáo lý nào đó là do chính đức Phật truyền dạy. Ngược lại, nếu một phần giáo lý nào đó không phù hợp với Tam pháp ấn, điều đó sẽ có nghĩa là chúng không phải do chính đức Phật nói ra. Tam pháp ấn đó là tính chất vô thường của các pháp hữu vi (chư hành vô thường), tính chất vô ngã của tất cả các pháp (chư pháp vô ngã) và tính chất tịch tĩnh của cảnh giới Niết-bàn giải thoát (Niết-bàn tịch tĩnh).

Khi được soi rọi dưới ánh sáng của Tam pháp ấn, mọi sự nghi ngờ về những giáo pháp thực sự do đức Phật truyền dạy sẽ dễ dàng tan biến, tương tự như khi chúng ta nhìn thấy con dấu chứng thực của một giới chức có thẩm quyền trong một văn bản của thế gian.

Thanh Huyền
(Tổng hợp giới thiệu)
Theo BTGCP
Trước Gieo Hạt Từ Tâm, gieo vào lòng trẻ hạt giống yêu thương
Sau Ý nghĩa và phương pháp thực hành pháp tu trì Lục Độ Phật Mẫu Tara

Thông tin tác giả

Bài viết bạn có thể thích

Kinh Sách

Ta kiếp này & kiếp sau là một hay hai?

QATV.VN – Nếu ta trong kiếp này và kiếp sau chính là một, đó là quan điểm của những tôn giáo tin vào tự ngã… HỎI: Tôi tin luân hồi của

Pháp Âm 0 Bình luận

Talkshow TÔI LÀ PHẬT TỬ – Số 15: Tâm an lạc

“TÔI LÀ PHẬT TỬ” Số 15 – Chủ đề: TÂM AN LẠC. • Với sự tham gia: DV Thiêng Nhi, MC Quốc Bình • Tư vấn Phật pháp: SC Thích

Thư Viện

Mưu sinh trong tinh thần Bát chánh đạo

GN – Có người quan niệm, làm theo lời Phật dạy trong việc kinh doanh thì khó có thể phát triển sự nghiệp? Với câu hỏi này, đã có một