Sư bà Hải Triều Âm vừa thâu thần thị tịch
Đại lão Ni trưởng Thích nữ Hải Triều Âm – Sư bà Hải Triều Âm, sau một thời gian bị bệnh duyên đã thuận thế vô thường an nhiên thu thần thị tịch hồi 11 giờ 56 phút ngày 24 tháng 6 năm Quý Tị, nhằm ngày 31 tháng 7 năm 2013 tại chùa Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trụ thế 94 năm, 60 năm tuổi đạo. Đại lễ nhập kim quan và thành phục sẽ được tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 25 tháng 6 năm Quý Tị, nhằm ngày 01 tháng 8 năm 2013 tại chùa Dược Sư.
Di ảnh Cố đại lão Ni trường Thích nữ Hải Triều Âm
Cố Đại lão Ni trưởng sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), thân phụ – cụ ông Etienne Catallan là công chức người Pháp, thân mẫu – cụ bà Nguyễn Thị Đắc là y sĩ người Việt. Sư bà có thế danh là Nguyễn Thị Ni, tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan.
Sau tốt nghiệp Diplôme tại trường Pháp – Việt, Hà Nội, Sư bà làm nghề dạy học. Ngoài giờ dạy học, Sư bà thường vào các bệnh viện, trại mồ côi, dưỡng lão để giúp đỡ, an ủi động viên những mảnh đời bất hạnh và dành thời gian tu học Phật pháp từ Sư cụ Thích Tuệ Nhuận. Từ khi đó, Sư bà đã biên tập và bỏ tiền ra in những cuốn kinh sách nhỏ phát cho những Phật tử và tới chùa tụng kinh hàng ngày.
Sư bà Quy y với Hòa thượng Pháp chủ đương thời là ngài Thích Mật Ứng, được Ngài đặt cho pháp danh là Hải Triều Âm.
Sư bà đã lập các gia đình Phật tử, mở hội dưỡng lão, thanh thiếu niên, nhi đồng Phật giáo ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra Sư bà còn viết bài cho báo Bồ Đề của Sư cụ Thích Tuệ Nhuận, dưới bút hiệu là Thích nữ Cát Tường Lan.
Cổng tam quan chùa Dược Sư, nơi Sư bà sáng lập và tu hành
Năm 29 tuổi, Sư bà xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Nhuận – sau này là Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, ở chùa Quảng Bá, y chỉ và thọ giới với Ni trưởng Tịnh Uyển ở chùa Thanh Xuân, làng Phùng Khoang – Hà Nội.
Năm 1954, Sư bà vâng lời Hoà thượng nghiệp sư di cư vào Nam. Nhập chúng ở chùa Dược Sư – Gia Định – Sàigòn. Vừa lo tu học, vừa chăm sóc mẹ già bị bệnh bán thân, vừa giảng dạy cho Phật tử. Sư bà tinh trì giới luật, nghe kinh Kim Cương lĩnh ngộ được tông chỉ niệm Phật, tu quán Tứ Niệm Xứ để khai tuệ giác, sở đắc về bộ kinh Lăng Nghiêm để khai tri kiến Phật.
Tiền đường chùa Dược Sư, Lâm Đồng
Sau khi mẹ mất, vì muốn báo hiếu công ơn mẹ, thấy rằng không gì bằng công đức tu hành, Sư bà nhập thất 5 năm ở chùa Vạn Đức – Thủ Đức, gần Sài Gòn, với sự trợ giúp của Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Đương kim Chủ tịch HĐTSTW GHPGVN, chuyên tâm niệm Phật. Sau đó Sư bà về Bà Rịa, nhập thất 3 năm, chuyên tâm nghiên cứu nội điển Đại thừa, với sự trợ giúp của Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Trong thời gian hành đạo tại tại chùa Dược Sư ở Sài gòn từ năm 1954 đến 1972, Sư bà đã kiến tạo Tịnh Thất Liên Hoa ở Sài Gòn và chùa Viên Thông ở Đồng Nai.
Năm 1972, Sư bà với đôi bàn tay trắng, lên Phú An – Đức Trọng – Lâm Đồng, được sự giúp đỡ của các Phật tử thuần thành như ông Hai Diễn (đã mất), cô Ba Chỉ (hiện nay, 2013, đã hơn 90 tuổi, rất minh mẫn, đang tịnh tu tại tịnh xá số 200, thôn Phú An, xã Phú Hội – Đức Trọng), v,v, Sư Bà đã tu hành 7 năm tại ngôi tịnh thất nhỏ trong khu vườn sắn, nay được khôi phục lại là tịnh thất Linh Quang.
Trên cao nguyên, Sư bà gặp nhiều thiện duyên độ chúng, ban đầu Ni chúng chỉ có vài chục vị. Đến nay (2013), tổng số sư Ni được Sư bà độ có tới hơn 1.000 vị.
Trong đó, số hiện còn đang tu theo chúng tại 8 chùa và tịnh thất của Sư bà là hơn một nửa (Tịnh Thất Liên Hoa ở Sài Gòn, chùa Viên Thông ở Đồng Nai; chùa Dược Sư, chùa Hương Sen, chùa Bát Nhã, chùa Lăng Nghiêm, tịnh thất Ni Liên, tịnh thất Linh Quang ở Đức Trọng – Lâm Đồng). Mọi người đủ các căn cơ, già trẻ, Sư bà đều đưa tay tế độ, mong họ được kết duyên với Phật pháp. Còn Phật tử được Sư bà quy y thì không biết bao nhiêu mà kể.
Đã mấy chục năm nay, Sư bà ngày ngày lên lớp giảng dạy, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, lời lẽ uyên bác, chỉ mặt phải, răn mặt trái. Nhắc đi nhắc lại, cặn kẽ từng lời, mong sao cho các đệ tử thấm nhuần kinh pháp. Lời giảng dạy của Sư bà ai nghe cũng thấy đúng với tâm trạng của mình, hợp thời, hợp cơ, giản dị dễ hiểu, lại rất thực tế.
Đối với đại chúng, Sư bà khiêm cung, giản dị, từ hòa. Nhưng nghiêm khắc đưa đại chúng vào khuôn khổ giới luật, nội quy. Sửa trị những xấu ác, bao dung những lỗi lầm, chỉ cốt cho đại chúng thành những bậc pháp khí trong Phật pháp.
Sư bà một lòng lo cho đại chúng, từ tinh thần đến vật chất, hy sinh sức khỏe thời giờ, từ đời sống tạm thời đến rồi đi, tới đời sống đạo vị lợi ích vĩnh viễn trong kiếp tương lai. Suốt ngày trọn đêm không giờ phút nào Sư bà ngơi nghỉ, luôn trong bổn phận tự giác giác tha.
Thấy đàn hậu lai trí kém tuệ ít, Sư bà thâu đêm đọc sách, dịch kinh viết sách, toát yếu lại những bộ kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, luật Tỳ-kheo-ni, v.v, với lời văn giản dị, xác thực để học chúng dễ nắm được yếu chỉ của kinh luật.
Sư bà đã dịch thuật, biên dịch, biên soạn, chú giải, toát yếu hơn 100 đầu sách và in ấn không biết bao nhiêu mà kể.
Mỗi một cuốn sách viết ra, Sư bà không để tên mình bao giờ, mà lấy tên của các đệ tử đặt vào sách. Ấn tống các kinh Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư … gửi khắp Bắc, Trung, Nam, để các Phật tử có kinh tiếng Việt tụng học, hành trì. Có thể nói hầu khắp các chùa ở Việt Nam đều có lưu thông kinh sách từ Sư bà.
Mang bệnh giật cơ trên đầu mấy chục năm nay, nhưng chưa từng vì đó mà Sư bà nghỉ ngơi. Có thời gian, để làm xong tác phẩm “Hai Cánh Nhà Ni” cho các Tỳ-kheo-ni mới thọ giới nắm vững giới điều, Sư bà đã thức suốt cả một tháng không ngủ.
Một lòng tôn kính Phật Pháp Tăng, gặp bất cứ hình tượng Phật nào Sư bà đều thành kính đỉnh lễ. Tận tình học pháp, nghiên cứu pháp, truyền bá giáo pháp, cả đời Sư bà nêu cao tấm gương vì pháp quên thân. Đối với Tăng Ni, Sư bà khiêm cung, kính trọng, dạy hàng đệ tử suốt đời phải thực hành Bát Kỉnh Pháp, thực hành nếp sống lục hoà, trên kính dưới nhường, lấy Giới Định Tuệ làm sự nghiệp chính của mình.
Sư bà kiệm đức, kiệm phúc trong từng hành động, 80 tuổi vẫn tự giặt áo, giăng mùng, xếp nép, không phiền nhọc một người hầu hạ. Phòng ở của Sư bà vô cùng giản dị, giường nằm chỉ là mấy tấm gỗ tạp đóng quây tạm dùng. Qua 80 tuổi, Phật sự đa đoan, tuổi già đau mỏi, Sư bà mới cho cắt đặt thị giả, cho hàng đệ tử trợ giúp.
Trước thời viên tịch, dù đã 94 tuổi, thân suy yếu, bệnh tật, nhưng chưa bao giờ Sư bà hiện tướng mỏi nhọc buồn phiền. Gặp ai, Sư bà cũng nở nụ cười từ ái. Gặp Sư bà, ai nấy đều cảm nhận được sự mát mẻ từ bi, tất cả bao phiền não đều tiêu tan.
Với chúng sinh, các loài vật nuôi, đói cho ăn, khát cho uống, rét cho áo mặc, niệm Phật để nó kết duyên với Phật pháp từ đời này đến đời sau. Sư bà răn dạy “đó chính là những huynh đệ chúng ta từ kiếp trước, chỉ vì một chút lỗi lầm phải đọa làm thân chó, nên các con phải tận tình thương xót”.
Sư bà đã làm nhiều chùa, xây dựng cho hậu lai nơi ăn chốn ở nghiêm tịnh. Nhưng luôn nhắc nhở, thế sự vô thường, không bền chắc, chỉ có ngôi nhà Phật pháp mới là nơi nương tựa vững vàng nhất.
Tất cả mọi tịnh tài vật phẩm thập phương cúng dàng đều thanh tịnh đúng Pháp. Sư bà chưa bao giờ cất lời khuyến giáo ai cả. Mọi tịnh tài tịnh vật thập phương dâng cúng lên Sư bà, Ngài đều phân chia đều và hết cho tất cả các chúng, không giữ lại cho riêng mình một chút gì.
Cố Đại lão Ni trưởng vì đàn hậu lai mà đã mở ra một đường lối tu hành rõ ràng. Năm 1988, Ngài đã viết một bài Di Chúc, vừa là lời dặn dò, vừa là con đường tu hành của bản thân Sư bà và cũng là kim chỉ nam, chỉ lối đưa đường cho đàn hậu lai trên bước đường tu học.
Bản di chúc đó, chính là một tác phẩm Phật pháp, cũng chính là cuộc đời chân thật tu hành của Sư Bà – Bậc chân tu thực học sáng ngời Đạo hạnh của Phật giáo Việt Nam và Thế giới. Tác phẩm đó, cuộc đời đó được gọi là “Bốn mùa hoa giác”.
Cư sĩ Huệ Minh – Lê Minh Nghĩa
Nguồn: Phật tử Việt Nam
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Thông báo khóa tu “Gieo hạt từ tâm” Kì 73 (5/1/2019)
Đăng ký khoá tu Gieo Hạt Từ Tâm kỳ 73, và buổi chia sẻ pháp thoại: LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH? Khách mời: Đức Gyalwa Dokhampa, Nhạc sĩ
Ngài Gyalwa Dokhampa: Hạnh phúc không chỉ đến từ giàu có
Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa vừa có buổi tọa đàm thẳng thắn về sống nhân ái và hành động hướng thiện cùng các học sinh, phụ huynh cũng như các
Khóa tu “Gieo hạt từ tâm” Kì 71 – Ai là thầy của bạn (11/11/2018)
Ai qua đò không cần đến người đưa? Mỗi bước chân trong cuộc đời đã qua có mấy ai không được nâng đỡ, dìu dắt bởi Ân sư? Năm tháng qua