Ý nghĩa và phương pháp thực hành pháp tu trì đức Phật Quan Âm Tứ Thủ
Đức Quan Âm là hiện thân vô ngại của sự thanh tịnh thuần khiết, của lòng từ bi, tình yêu thương và trí tuệ với bản nguyện khai mở, hiển lộ Bồ đề tâm và công đức đại bi sẵn có nơi tâm tất cả hữu tình.
1. Pháp tu Bản tôn Phật Quan Âm và Lục Tự Đại Minh chân ngôn
Trong tất cả chư Phật, Bồ tát, đức Quan Âm là đức Phật siêu đẳng, ngời sáng, lừng danh với tinh thần đại vô úy cứu khổ cứu nạn. Ngài là hiện thân đại từ bi của mười phương chư Phật, với bản nguyện khai mở, hiển lộ Bồ đề tâm và công đức đại bi sẵn có nơi tâm tất cả hữu tình. Với bản nguyện này, Ngài đã từ chối thể nhập Niết bàn thanh tịnh để hiện thân trong luân hồi khổ não cứu độ chúng sinh. Chính vì Ngài có nhân duyên rất thâm thiết với chúng sinh trong cõi Sa bà, nên thế gian tôn kính Ngài là biểu tượng tối cao của tâm đại từ đại bi. Thệ nguyện của đức Quan Âm là tùy loại ứng hiện thân tế độ tất cả chúng sinh. Trong Kinh dạy rằng: nếu chúng sinh khổ não biết nhất tâm trì tụng chân ngôn và niệm hồng danh đức Quan Âm tức thời Quán sát âm thanh liền được giải thoát!
Trong Mật điển dạy rằng: Chân ngôn Lục tự “Om Mani Padme Hung” là hiện thân tinh túy tâm giác ngộ của hết thảy chư Phật, tinh túy của Năm bộ Phật và tinh túy trì giữ bí mật. Chân ngôn này chứa đựng khẩu truyền tinh túy trong từng chữ chủng tử, là phẩm hạnh Ba la mật tuyệt hảo và là cội nguồn của hết thảy chư Phật, là con đường giác ngộ giải thoát và thành tựu đem lại phúc lợi và an bình cho tất cả chúng sinh. Chỉ nhờ tu tập sáu chữ chân ngôn hay Khẩu giác ngộ siêu việt, hành giả có thể đạt được quả vị Vô học và trở thành bậc giải thoát hướng dẫn chúng sinh. Dù một lần được nghe chân ngôn này vào lúc chết, loài kiến và các động vật sẽ thoát khỏi thân nghiệp báo và tái sinh trong cõi Tịnh độ. Việc trì niệm Sáu chữ chân ngôn này giống như mặt trời tỏa chiếu trên núi tuyết, sẽ khiến tất cả nghiệp xấu và chướng ngại mà hành giả đã tích lũy từ vô thủy trong luân hồi được tịnh hóa và tiêu trừ, giây phút lâm chung sẽ được vãng sinh vào cảnh giới Tịnh độ. Thiền định về chân ngôn này cũng đồng thời giúp thành tựu tam học Văn, Tư, Tu. Tất cả các pháp sẽ xuất hiện là Pháp thân và cánh cửa kho tàng công hạnh lợi ích chúng sinh sẽ được rộng mở. Hành trì chân ngôn này như thế sẽ giúp hành giả không bị trôi dạt tái sinh nơi lục đạo luân hồi, chứng đạt quả vị Ba la mật, đồng thời tịnh hóa tất cả các nghiệp nhiễm ô, phiền não đau khổ, các thói quen tập khí tiêu cực và chuyển hóa tất cả hiện tướng bên ngoài thành cảnh giới Tịnh độ của Tam thân. Công đức trì tụng chân ngôn Lục tự đại minh như vậy thật không thể nghĩ bàn và vô cùng thù thắng!
2. Ý nghĩa hình ảnh Bản tôn
Đức Quan Âm là hiện thân vô ngại của sự thanh tịnh thuần khiết, của lòng từ bi, tình yêu thương và trí tuệ với bản nguyện khai mở, hiển lộ Bồ đề tâm và công đức đại bi sẵn có nơi tâm tất cả hữu tình.
Ngài được mô tả trong sắc thân trong suốt rạng ngời, an tọa trên tòa sen trắng và đĩa mặt trăng, mỉm cười trong tình yêu thương bình đẳng, hướng cặp mắt từ bi diệu vợi với năng lực chữa lành hướng về chúng sinh. Ngài an tọa trong tư thế Kim Cương thể hiện tính nhất như của sinh tử và Niết bàn, trang sức các thiên y lụa là trang hoàng quý báu nêu biểu cho tất cả phẩm hạnh giác ngộ, áo da thú trên vai thể hiện hạnh nguyện nhập thế.
Đức Quan Âm Tứ Thủ có một mặt bốn tay nêu biểu sự chứng ngộ Tứ vô lượng Tâm, hai tay phía trước trì giữ ngọc Như ý Mani, tay phải thứ hai cầm tràng pha lê, tay trái thứ hai trì giữ hoa sen. Hai tay phía trước kết ấn Liên hoa trì giữ ngọc Như ý thể hiện năng lực của lòng từ bi và trí tuệ hiểu biết có thể viên mãn mọi tâm nguyện của chúng sinh, giúp mọi ước nguyện thế gian và xuất thế gian đều được vẹn toàn như ý. Tay phải thứ hai cầm tràng pha lê nêu biểu sự liên tục cứu giúp chúng sinh mà không bỏ xót một ai, và chuỗi tràng cũng nêu biểu chân ngôn của Ngài. Trong khi tay trái thứ hai cầm hoa sen nêu biểu Bồ đề tâm thanh tịnh dù ứng hiện thân vào các cõi luân hồi nhiễm ô để cứu giúp chúng sinh, nhưng Ngài vẫn thanh tịnh vô nhiễm như hoa sen mọc trong bùn. Tất cả đặc điểm trong hình ảnh đức Quan Âm là nêu biểu những hạnh đức, thần lực và công hạnh Ba la mật vi diệu của Ngài.
3. Hướng dẫn thực hành quán tưởng
Chúng ta quán tưởng Bản tôn Quan Âm như hướng dẫn về hình ảnh ở trên. Trên luân xa trán của Ngài an trí chữ chủng tử “Om” sắc trắng, luân xa cổ họng là chữ chủng tử “Ah” sắc đỏ, luân xa tim có chủng tử “Hung” sắc xanh dương. Tại luân xa tim có đĩa mặt trăng, trên đĩa mặt trăng có chử chủng tử “Hri” tỏa hào quang sắc trắng chói lọi rực rỡ.
Trên đỉnh đầu của Đức Phật Quan Âm, trên vương miện của Ngài bao giờ cũng là hình tượng của Đức Phật A Di Đà. Hình ảnh Đức Phật Quan Âm trên vương miện luôn đội pháp tướng của Đức Phật A Di Đà để thể hiện Báo thân Bồ Tát vào cuộc đời cứu độ chúng sinh nhưng không bao giờ rời tự tính, không bao giờ rời Pháp thân.
Khi quán tưởng hình ảnh Đức Phật Quan Âm, chúng ta không nên quán tưởng Ngài giống như bức tranh hoặc giống như pho tượng gỗ. Hãy quán tưởng Ngài sống động và phi vật chất. Sống động giống như tất cả vạn sự vạn pháp đang tồn tại, hiện hữu chứ chúng ta không nên quán tưởng Ngài một cách cứng nhắc như là bức tranh, như là pho tượng.
Quán tưởng ở nơi tim của Đức Phật Quan Âm là một đĩa mặt trăng, trung tâm của đĩa mặt trăng là chủng tử tự “Shri”. Chúng ta sẽ quán tưởng quay xung quanh chủng tử tự “Shri” là chuỗi chân ngôn “Om Mani Padme Hung” đang chuyển vận theo chiều kim đồng hồ. Quán tưởng từ bản thân những chữ chủng tử chúng ta đang trì niệm phóng ra những luồng hào quang rực rỡ. Những luồng hào quang này hướng về mười phương chư Phật, mang đến cúng dường chư Phật tất cả những phẩm vật tôn quý nhất trong hình tướng những phẩm vật hương hoa, đăng trà, quả thực. Cúng dường xong chư Phật, những ánh hào quang này đón nhận sự gia trì từ chư Phật và quay trở lại chiếu vào sáu đạo hữu tình để xoa dịu, cứu khổ cho hết thảy chúng sinh.
Sau khi kết thúc phần trì tụng chân ngôn thì chúng ta quán Đức Quan Âm lúc này bất khả phân với bậc Thầy Căn bản Thượng sư của chúng ta, hòa tan vào trong tâm của chúng ta, hòa nhập làm một và an trụ trong chính niệm, tỉnh giác, không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai cũng không phân biệt trong hiện tại, tâm hoàn toàn thư giãn, thảnh thơi.
4. Lời nguyện kết
Hãy biết tận dụng mỗi giây phút trong cuộc sống vô thường mong manh này, đem ân đức gia trì và thần lực Đại bi Quan Âm trưởng dưỡng thấm nhuần thân tâm chuyển hóa mọi khó khăn, chướng ngại phiền não thành chân hạnh phúc, hiển lộ Đại bi Quan Âm nơi tự thân thành một pháp khí năng lực nhất chữa lành và trải rộng tình yêu thương vô điều kiện hướng về vô lượng quần sinh.
Hãy cùng phát lời thệ nguyện thiêng liêng như Đức Phật Quan Âm đã từng phát nguyện để thành tựu đại nguyện và đại lực như Ngài vì lợi ích hữu tình:
Nam mô Đại Bi Quan Âm
Nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nguyện con sớm được mắt trí tuệ
Nguyện con mau độ các chúng sinh
Nguyện con sớm được phương tiện khéo
Nguyện con mau lên thuyền Bát Nhã
Nguyện con sớm vượt qua biển khổ
Nguyện con mau được giới, định, tuệ
Nguyện con sớm lên núi Niết Bàn
Nguyện con nhanh về nhà Vô Vi
Nguyện con sớm đồng thân Pháp Tánh
Nguyện con hướng về nơi núi đao
Núi đao tức thời liền sụp đổ
Nguyện con hướng về lửa nước sôi
Nước sôi lửa cháy tự khô tắt
Nguyện con hướng đến nơi địa ngục
Địa ngục liền tự khắc tiên tan
Nguyện con hướng về loài ngạ quỷ
Ngạ quỷ liền tự được no đủ
Nguyện con hướng về A Tu La
Ác tâm Tu La tự điều phục
Nguyện con hướng về các súc sinh
Súc sinh tự được trí tuệ lớn
Nguyện con hướng về mọi loại người
Người liền khai phát tâm Bồ Đề
Nguyện con hướng về các loài trời
Trời liền xả dục siêng tu Phật!
Theo Drukpa Việt Nam
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Quan điểm của ngài Long Thọ về đạo trị quốc
Một trong những nhà lãnh đạo chính của phong trào Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ là đạo sư- tăng sĩ Long Thọ. Ngài là bậc sáng lập nên
Talkshow TÔI LÀ PHẬT TỬ – Số 23: Hỷ xả
TÔI LÀ PHẬT TỬ – SỐ 23 Chủ đề: HỶ XẢ Với nhân vật: Diễn viên Hòa Hiệp, MC. Quốc Bình, tư vấn Phật pháp SC Huệ Đức.
Những hình ảnh về Sài Gòn 1920
Những hình do nhiếp ảnh gia Pháp Ludovic Crespin thực hiện vào đầu thập niên 1920 ở Sài Gòn sẽ khiến người xem ngỡ ngàng… Nhà hát lớn Sài Gòn.