50 BÀI KỆ VỀ TÂM CHÍ THÀNH ĐỐI VỚI BẬC THẦY
50 BÀI KỆ VỀ TÂM CHÍ THÀNH ĐỐI VỚI BẬC THẦY
Tên kinh tiếng Phạn là Gurupancashika, tiếng Tạng là Lama Nga Chupa (do ngài Asvaghosa biên soạn)
Kính lễ Đức Thế Tôn Kim Cương Tát Đỏa.
1. Con cúi đầu đảnh lễ dưới gót chân sen Thầy, bậc giúp con thành tựu trạng thái của Kim Cương Tát Đỏa vinh quang (giác ngộ). Con thành tâm trình bày Mật giáo về tâm chí thành đối với bậc Thầy mà con đã được truyền trao. Do vậy, quý vị hãy cung kính lắng nghe.
2. Tất cả chư Phật trong ba đời: quá khứ, hiện tại và vị lai, đang an trụ ở mười phương thế giới
3. Ngày ba buổi, chắp tay chí thành, dâng hoa, cúng dường Mandala. Rập đầu đảnh lễ dưới chân Bậc Thầy, người truyền trao giáo pháp Mật thừa
4. Ở nơi công chúng, nếu đệ tử là người xuất gia mà Bậc Thầy trong hình tướng người tại gia hay nhỏ tuổi, để tránh đàm tiếu thế gian, hãy đảnh lễ kinh sách của Thầy và thầm đảnh lễ Thầy trong tâm
5. Để phụng sự và bày tỏ lòng tôn kính Thầy, hãy thực hành những gì Thầy dạy. Khi Thầy đi đến, hãy đứng lên và thỉnh Thầy an tọa. Nếu đệ tử là người xuất gia mà Bậc Thầy trong hình tướng người tại gia hay nhỏ tuổi, để tránh đàm tiếu thế gian, không đảnh lễ hay thực hành nghi thức tôn giáo như rửa chân cho Thầy ở chốn đông người.
6. Để tình Thầy Trò luôn thắt chặt không phôi phai, cả Thầy và Trò cần phải được kiểm chứng lẫn nhau trước khi thiết lập mối liên kết Thầy Trò.
7. Là người đệ tử sáng suốt, không nhận Thầy thiếu lòng từ bi, dễ sân giận, ác tâm, kiêu mạn, ích kỉ, phá giới hoặc thích khoe khoang kiến thức.
8. Người Thầy luôn bình tĩnh trong mọi hành động, cẩn trọng trong lời nói, thông tuệ, nhẫn nại và trung thực, không che giấu khuyết điểm, không giả bộ tài giỏi. Nên là người Thầy tinh thông ý nghĩa Mật điển và các phương thức trị liệu cũng như khiển trừ các chướng ngại. Bậc Thầy cũng phải có tâm từ bi và trí tuệ tinh thông kinh điển.
9. Bậc Thầy phải tinh thông 10 lãnh vực, có kỹ năng vẽ Mandala, có đầy đủ kiến thức để giải thích về Mật giáo, có tâm chí thành thanh tịnh và hoàn toàn kiểm soát lục căn.
10. Khi đã trở thành đệ tử của Bậc Thầy có khả năng hộ trì như thế, mà người đệ tử trong tâm vẫn coi thường Bậc thầy của mình thì sẽ phải chịu quả báo khổ đau như phỉ báng tất cả chư Phật.
11. Nếu người đệ tử quá vô minh nên xem thường Bậc Thầy mình như thế thì sẽ bị mang các bệnh truyền nhiễm do ác quỷ gây ra, sẽ bị chết thảm hại do bị trúng độc, bị bệnh dịch hay quỷ thần làm ra.
12. Người này sẽ bị ác vua giết hại, hay lửa cháy, nước cuốn trôi, rắn độc cắn, bùa ngải/tà thuật hãm hại hoặc cướp tặc giết, bị ác quỷ hay kẻ độc ác giết hại, rồi sau sẽ bị đọa vào địa ngục.
13. Đừng bao giờ làm phiền nhiễu tâm Thầy. Nếu vì vô minh hay sơ suất phạm phải lỗi lầm này, chắc chắn sẽ phải bị đọa vào địa ngục nước sôi.
14. Trong kinh đã ghi rõ ràng rằng nếu ai phỉ báng bậc Thầy, người đó sẽ mãi mãi ở trong địa ngục Vô gián chịu đau đớn không ngừng dứt.
15. Vì vậy, hãy cố gắng toàn tâm tôn kính bậc Thầy, người không phô trương đại trí và đại hạnh.
16. Nếu do thiếu chánh niệm mà lỡ thất kính đối với Thầy, hãy cung kính cúng dường và thành tâm sám hối thỉnh cầu Ngài tha thứ, thì sẽ không còn bị quả báo bị bệnh dịch nữa.
17. Trong kinh dạy rằng một khi chúng ta đã phát nguyện quán tưởng Bậc Thầy bất khả phân với vị Bản tôn thiền định thì hãy nên sẵn sàng cúng dường vợ con và thậm chí là ngay cả thân mạng là những thứ khó từ bỏ nhất, huống hồ là tài sản phù du.
18. Nếu trong đời này người đệ tử có tâm chí thành mà không dõng mãnh phát tâm cúng dường như thế thì trải qua vô lượng kiếp khó thành Phật quả.
19. Luôn giữ giới nguyện, luôn cúng dường bậc Giác ngộ, luôn cúng dường bậc Thầy, vì Ngài đồng với tất cả chư Phật không sai khác.
20. Những ai muốn chứng đắc thân trí tuệ của Phật/pháp thân Phật, thì hãy cúng dường bậc Thầy những gì mình yêu thích.
21. Cúng dường lên bậc Thầy cũng giống như chúng ta không ngừng cúng dường lên tất cả chư Phật, nhờ vậy mà chúng ta tích lũy vô lượng công đức và thành tựu Phật quả.
22. Do đó, một người đệ tử có những phẩm tính như từ bi, bố thí, trì giới, nhẫn nhục thì không bao giờ coi bậc Thầy khác với Đức Phật Kim Cương Trì.
23. Nếu người đệ tử không bao giờ giẫm lên ngay cả cái bóng của Thầy do nghiệp quả tương đương với phá hủy một bảo tháp, thì sẽ không bao giờ bước lên giày dép của Thầy, ngồi vào chỗ ngồi của Thầy, đứng vào chỗ đứng của Thầy hay cưỡi lên ngựa của Thầy.
24. Một người đệ tử có ý thức cao như vậy hãy miệt mài thực hành lời bậc Thầy dạy một cách đầy hoan hỷ. Nếu người đệ tử thiếu kiến thức hay khả năng để thực hiện lời Thầy dạy, hãy cung kính từ tốn giải thích vì sao không thực hiện được.
25. Nương nơi bậc Thầy, người đệ tử thành tựu đạo lực, hạnh phúc và tái sanh vào cảnh giới cao hơn. Vì vậy, hãy chí tâm nỗ lực đừng bao giờ trái lời Thầy dạy khuyên.
26. Hãy trông coi đồ đạc của Thầy như mạng sống của chính mình. Kính trọng người thân của Thầy như kính trọng Thầy. Hãy trân trọng những người thân cận Thầy như thể quyến thuộc của mình. Luôn luôn nhứt tâm nghĩ tưởng như vậy.
27. Không ngồi cùng giường cùng chỗ ngồi với Thầy, không đi trước Thầy. Khi nghe Thầy thuyết giảng, không búi tóc trên đỉnh đầu, không đội nón mũ, không đi giày dép hay mang vũ khí bên mình. Không ngồi xuống trước Thầy ngay cả ngồi trên đất. Không chóng nạnh hay xoay mông vào Thầy.
28. Không bao giờ ngồi hay tựa lưng trong lúc Thầy đứng, hay nằm trong lúc Thầy đang ngồi, luôn sẵn sàng đứng thị giả Thầy một cách tốt nhất.
29. Trước mặt Thầy, không bao giờ khạc nhổ, ho, hắt hơi mà không che miệng. Không nên xoạc duỗi chân khi ngồi, hay đi lùi hoặc tiến trước Thầy mà không có lí do, và không bao giờ cãi lại Thầy.
30. Không xoa bóp hay chà chân tay, không ca hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ ngoài mục đích tôn giáo. Không tán gẫu huyên thuyên, không nói chuyện dông dài hay nói tiếng quá lớn với tầm nghe của Thầy.
31. Khi Thầy bước vào phòng, hãy đứng dậy, chắp tay cúi đầu xá chào, ngồi trang nghiêm theo Thầy. Đi ban đêm, trên sông hay trên đường nguy hiểm, xin phép đi trước Thầy để dẫn đường.
32. Trước mặt Thầy, không ngồi vặn vẹo, không dựa lưng tựa cột, không bẻ khớp tay, không đùa nghịch ngón tay, không làm vệ sinh móng tay.
33. Đảnh lễ Thầy trước khi và sau khi chạm vào thân thể Thầy như rửa chân cho Thầy, tắm và lau khô cho Thầy, xoa bóp hay cạo tóc cho Thầy, rồi sau đó mới tự làm cho mình.
34. Khi nói tên Thầy, phải thêm từ đệm cung kính phía trước tên Thầy. Để thể hiện sự cung kính Thầy trong mọi trường hợp, nên dùng lời tôn kính với Thầy.
35. Khi thỉnh Thầy dạy bảo, trước tiên phải thưa Thầy lí do tới gặp Thầy. Khi Thầy dạy bảo thì cung kính chí tâm lắng nghe không xao lãng. Thầy dạy xong thì nên thưa rằng: “Con sẽ thực hành đúng lời Thầy dạy”.
36. Khi ngáp, ho, tằng hắng hay cười trước mặt Thầy, phải lấy tay che miệng. Sau khi làm xong những việc Thầy sai, phải dùng lời nhẹ nhàng, nhã nhặn báo cáo lại cho Thầy biết sự việc.
37. Nếu muốn thỉnh Thầy giảng pháp, hãy mặc y phục trang nghiêm gọn gàng, không đeo đồ trang sức, không son phấn, cung kính quỳ, hai tay chắp trước ngực, ba lần tác bạch cầu pháp.
38. Khi thị giả Thầy bất kì việc gì hay thể hiện sự cung kính, không bao giờ làm với tâm kiêu mạn, mà hãy rụt rè, khép nép, khẽ khàng như một cô dâu mới cưới.
39. Trước mặt bậc Thầy- người chỉ lối dẫn đường, không tỏ ra kiêu mạn hay ra vẻ. Khi khoe khoang với người những việc đã làm cho Thầy, hãy kiểm tra lại lương tâm và từ bỏ ngay thái độ như thế.
40. Nếu được thỉnh làm lễ gia trì hay khai mở Mandala, cử hành khóa lễ hỏa tịnh hay tập hợp các đệ tử và giảng pháp, nhưng nếu có bậc Thầy ở đó thì không nên làm, trừ khi Thầy giao phó cho.
41. Bất cứ những vật phẩm cúng dường nào nhận được từ những việc như thực hành nghi thức gia trì khai quang điểm nhãn, nên cúng dường hết các vật phẩm cúng dường này lên bậc Thầy. Sau khi Thầy đã nhận một phần cúng dường rồi thì có thể sử dụng phần còn lại.
42. Khi có mặt Thầy, không nên hành xử như bậc Thầy đối với các đệ tử của mình trước mặt Thầy và các vị đệ tử kia cũng vậy. Vì thế trước mặt Thầy, hành giả không nên cho đệ tử mình thể hiện sự cung kính đối với mình, chẳng hạn như đứng lên khi hành giả đi tới hay đảnh lễ…
43. Bất cứ khi nào cúng dường lên Thầy hay bất cứ khi nào Thầy cho cái gì, người đệ tử có ý thức sẽ cung kính cúng dường hay đón nhận bằng cả 2 tay và hơi cúi đầu.
44. Hãy luôn tinh tấn trong mọi hành động, chánh niệm tỉnh giác, nói lời tôn kính. Nếu bạn đồng tu phạm lỗi, hãy nhắc nhở nhau sửa đổi trong tình bằng hữu.
45. Nếu do bị bệnh không thể lạy Thầy hay phải làm những việc mà bình thường không được phép làm, thậm chí là biết chắc chắn Thầy không cho phép, người đệ tử sẽ không bị ác báo nếu có tâm chơn chánh.
46. Không cần phải nói nhiều, hãy làm bất cứ việc gì làm Thầy hoan hỷ. Tránh làm những việc mà Thầy không thích. Hãy cố gắng ghi nhớ cả 2 điều này.
47. Đức Phật Kim Cương Trì đã dạy rằng: “Hành giả sẽ thành tựu đạo lực nhờ làm những việc khiến Thầy hoan hỷ”. Biết rõ như thế, hãy cố gắng làm Thầy hoan hỷ bằng cả 3 nghiệp thân, khẩu và ý.
48. Người đệ tử sau khi quy y Tam Bảo và phát triển động cơ thanh tịnh, hãy ghi nhớ lời dạy này trong tâm và đi theo bước chân Thầy.
49. Bằng cách học những điều tiên quyết về tâm chí thành đối với bậc Thầy và đi theo con đường căn bản phổ biến trong Hiển giáo và Mật giáo, người đệ tử sẽ như cái bình phù hợp có thể giữ trọn vẹn cam lồ Giáo pháp thanh tịnh. Khi ấy lời dạy này được xem như Mật pháp truyền trao cho hành giả. Sau khi nhận quán đảnh một cách trọn vẹn, hãy đọc lớn 14 điều nguyện căn bản và thành tâm ghi nhớ.
50. Khi biên dịch những lời dạy này, con không phạm một lỗi lầm nào do không thêm một ý gì của cá nhân con vào bản dịch này, nhờ vậy mà trở thành vô lượng công đức của tất cả những người đệ tử đang đi theo các bậc Thầy. Bằng cách này, vô lượng công đức mà con tích lũy được, xin nguyện cho tất cả chúng sanh đều mau thành Phật quả.
“50 bài kệ về tâm chí thành đối với bậc Thầy” do Ngài Asvaghosa (Mã Minh) biên soạn ra, Ngài Rinchen Zangpo là một luận giả và là nhà biên tập nổi tiếng vùng Himalaya đã cùng với ngài Padmakaravarma người Ấn dịch ra tiếng Tạng theo lời thỉnh cầu của các đệ tử.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa giảng “50 bài kệ tâm chí thành đối với bậc Thầy” này trong pháp hội Naropa 2016 tại Ladakh.
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
350 tu sinh tham dự Khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm kỳ 33
07h40, ngày 30/10/Giáp Ngọ (21/12/2014) tại Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận, Tp.HCM) đã diễn ra khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm kỳ 33 với chủ đề A Di Đà
Ban trị sự GHPGVN Quận Phú Nhuận đã long trọng cử hành lễ kính mừng Phật Đản PL. 2560 – DL2016
Ban trị sự GHPGVN Quận Phú Nhuận đã long trọng cử hành lễ kính mừng Phật Đản PL. 2560 – DL2016 vào lúc 17h00, ngày 18/05/2016 (12/04 Bính Thân) tại lễ đài
Talkshow TÔI LÀ PHẬT TỬ – Số 20: Sự linh ứng của Phật pháp
TÔI LÀ PHẬT TỬ – SỐ 20 Chủ đề: Sự Linh Ứng Của Phật Pháp Với sự tham sự: CS. Thuỳ Trang, MC Quốc Bình Tư vấn Phật pháp Sc