15/03/2016 0 136 Lượt xem

Bất an tạo nên thù hận

Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo được biết tới với danh hiệu “nữ nhân Anh quốc ẩn tu đơn độc 12 năm trên rặng Tuyết Sơn”. Đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước. Ngày nay ni sư đang đảm nhận trọng trách lãnh đạo cộng động ni giới Tây Tạng dòng truyền thừa Drukpa tại Ni viện Dongyu Gatsal Ling, Himachal Pradesh. Ni sư cũng là chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội nữ Phật giáo thế giới (Shakyadhita). Ngài chia sẻ với phóng viên Ranjeni A Singh về sự quan tâm ngày càng nhiều của con người tới Phật giáo, vai trò người nữ trong tâm linh và vấn đề sự gia tăng chủ nghĩa căn bản.

Ni-su-Tenzil-PalmoNi sư Jetsunma Tenzin Palmo (ở chính giữa)

PV: Ngày càng nhiều người quan tâm tới việc thực hành Phật giáo. Phật giáo có phải là giải pháp cho mọi vấn nạn của đời sống đô thị?

Jetsunma: Tôn giáo mang lại nhiều giá trị cho những tầng lớp người khác nhau ở những thời đại khác nhau. Tôn giáo không thể là câu trả lời cho mọi vấn đề của tất cả mọi người. Triết học thâm sâu và những phương pháp thiền chân xác trong Phật giáo giúp cho con người, dù cho họ có là Phật tử hay không, thấu hiểu dòng tâm của mình và đối trị các phiền não bằng cách trực diện quan sát chúng. Các kỹ thuật thực hành của Phật giáo có thể rất lợi lạc cho mọi người, dù về phương diện tri thức, họ có thể chưa thấu hiểu giáo pháp nhiều. Rất nhiều người đã ra nhập các khóa thiền Minh Sát nhưng họ không nhất thiết phải là Phật tử. Các phương pháp thực hành Phật giáo giúp họ trở thành người Công giáo tốt hơn, trở thành người Hindu tốt hơn, hay đơn giản là trở thành một con người tốt hơn.

Tôi biết rất nhiều người Công giáo đang thực hành thiền Phật giáo và trở thành người Công giáo tốt hơn. Phật giáo rất linh hoạt và gồm vô số các phương pháp thực hành giúp mỗi người kết nối với bản chất chân thực của mình và bất kỳ điều gì giúp ta khai triển được những năng lực đó thì đều tốt lành. Đức Phật đã từng dạy, “Bất cứ thứ gì giúp trưởng dưỡng những phẩm chất thiện lành nơi mỗi người thì đều là Pháp.”

PV: Điều gì đưa ngài đến với Phật giáo?

Jetsunma: Tôi đã học Kinh Thánh và kinh Quran. Tôi đã thực hành yoga. Tôi cũng có chút hiểu biết về Himdu giáo và đạo Lão. Nhưng khi ấy tôi tự thấy mình không thuộc về các truyền thống đó, còn Phật giáo lại có sức hấp dẫn đối với tôi. Khi ấy tôi thấy đây là con đường rõ ràng, có thứ lớp nhất. Hầu hết các tôn giáo đều khởi đầu với một định đề có một đấng sáng tạo bên ngoài ta, tín đồ phải nỗ lực thực hành không ngừng giữ sự trân trọng, tri ân lên ngài trong suốt cuộc đời, ngài chính là bậc ban những thánh chỉ, hướng đạo cho họ. Phật giáo không bắt nguồn từ một định đề như vậy; Phật giáo dạy chúng ta bằng cách nào có thể thấu hiểu dòng tâm và đối trị với các phiền não trong tâm, giáo pháp đức Phật dạy rằng hầu hết các rắc rối của ta đều bắt nguồn từ trong tâm chứ không phải từ người khác hay từ bên ngoài. Khi ấy tôi 18 tuổi, ngay lúc đọc được những dòng tư tưởng đó, tôi biết rằng đây là điều phù hợp với mình, và là điều tôi hằng suy tư. Tôi luôn luôn giữ lòng tri ân lên đức Phật bởi ngài đã khai thị một con đường rõ ràng cho mình. Tôi sinh ra tại một đất nước theo truyền thống Thiên Chúa, lớn lên cùng những người bạn đạo Do Thái, tuy nhiên Phật giáo là tiếng gọi trong lòng tôi.

PV: Một người có nhất thiết phải trở thành hành giả mới lợi ích cho người khác? Sự xả ly bên ngoài có cần thiết cho tiến bộ về mặt tâm linh?

Jetsunma: Vấn đề là ở đây là tâm thức, cách thức chúng ta đối trị với những phiền não trong tâm. Dù cho mỗi người là tăng hay ni, Phật tử hay người không theo tôn giáo, thì tất cả đều phải đối mặt với những phiền não trong tâm. Có thể hóa giải được các phiền não này hay không phụ thuộc vào mỗi người. Trên thực tế, rất nhiều các phẩm chất cần phải được trưởng dưỡng trên con đường tâm linh như tâm từ, tâm bi, sự nhẫn nại và bố thí lại nằm ngay trong những hoàn cảnh của đời sống thế tục. Ví như một người mẹ luôn cần phải có sự nhẫn nại phi thường, tâm từ bi, lòng nhân ái vô bờ với con cái của mình. Y phục chưa phải là điều kiện duy nhất cho sự tiến bộ tâm linh. Phật giáo đặt tầm quan trọng ở chùa, tự viện là bởi đây là môi trường ít có phiền não quấy nhiễu. Tại đây tạo ra môi trường ít có sự bám chấp và luyến ái. Nếu quý vị là người tại gia, quý vị còn có gia đình, công việc, đời sống xã hội, mọi thứ lấy đi rất nhiều thời gian, tâm trí của mình, trong khi đó môi trường tự viện thì hầu như những thứ đó không còn ảnh hưởng tới dòng tâm. Bởi vậy nơi đây sẽ có nhiều thời gian hơn cho sự tu và học.

PV: Ngài từng chia sẻ rằng về mặt tâm linh phụ nữ ít được rèn luyện và bị lãng quên trong một thời gian dài. Những điều này có đang thay đổi?

Jetsunma: Mọi thứ đang thay đổi mặc dù không thể nhanh chóng như chúng tôi mong nguyện. Tiếng nói của người nữ vẫn khá yếu ớt. Nhưng ý tưởng hiện giờ là thông qua giáo dục, thông qua sự tu học, phụ nữ sẽ đóng một vai trò lo lớn hơn. Và chắc chắn rằng quan điểm về chư ni đang cải thiện rất nhiều. Không nghi ngờ gì về điều đó cả. Ít nhất thì những đàm luận, chia sẻ về vấn đề này cũng đang diễn ra rất nhiều, một điều trước đây rất hiếm có. Đây cũng là một bước tiến đáng kể.

PV: Những ni viện có thể nâng đỡ người nữ bằng cách nào?

Jetsunma: Trong đời sống thế tục, các bé gái được giáo dục bình đẳng với bé trai và họ đang làm tốt điều đó. Vấn đề đặt ra tại các tự viện là: Tại sao chư ni không được giáo dục bình đẳng như chư tăng? Ngay khi ý tưởng này được đưa ra, việc giảng dạy triết học, tranh biện v.v…cho chư ni đã được bắt đầu. Một hướng đi không thể đảo ngược được. Tại truyền thống Tạng truyền vào năm tới, chư ni sẽ được phép tu học để nhận danh hiệu Geshe cao quý, danh hiệu mà trong quá khứ họ chưa từng được biết tới. Chúng tôi sẽ sớm có các nữ Geshe. Chúng tôi cũng được truyền cảm hứng nhiều về vấn đề thọ giới Tỳ kheo ni tại một số nước Phật giáo như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam, một số nước Phật giáo khác như Tây Tạng, Thái Lan và Sri Lanka thì không duy trì được truyền thống này. Rất nhiều Lạt-ma đã đưa ra và ủng hộ. Ngài Gyalwang Drukpa và ngài Gyalwang Karmpa cũng ủng hộ rất nhiều. Nếu không có sự hỗ trợ của các ngài, chúng ta sẽ khó thay đổi được nhiều.

Là những người sinh ra ở phương Tây, hoạt động của chúng tôi đôi khi bị coi như phong trào nữ quyền ầm ĩ và bởi vậy có không ít nhiều người không coi trọng. Cho nên để mọi thứ thay đổi, quan trọng là phải bắt đầu từ những vấn đề căn bản.

PV: Nhiều quan điểm cho rằng người nữ có lòng từ một cách rất tự nhiên; phải chăng như vậy con đường tâm linh sẽ dễ dàng hơn với họ?

Jetsunma: Ồ, tất cả chúng ta đều có tiềm năng. Nhiều quan điểm cho rằng người nữ phù hợp một cách tự nhiên hơn với thiền. Nhiều bậc Thầy bắt đầu nhận ra những đệ tử xuất sắc nhất của mình là người nữ, bởi vì họ nhạy cảm và dễ dàng thấu hiểu các mức độ cao trong sự tu tập. Cũng như vậy, người nữ dễ nhạy cảm hơn với các cảm xúc, ví như làm mẹ, một chức năng tự nhiên của người nữ, họ tự nhiên cảm thấy bình an trong một môi trường tràn đầy từ tâm. Đức Phật đã dạy rằng, giống như tình thương yêu của người mẹ giành cho đứa con còn quan trọng hơn cả bản thân, một người tìm cầu trên con đường tâm linh cũng nên phát triển lòng từ với những phẩm chất như vậy.

PV: Ngài nghĩ gì về sự quan tâm ngày càng nhiều tới chủ nghĩa căn bản?

Jetsunma: Đó là bởi nhiều người đang cảm thấy bất an và quá nhiều thách thức trong cuộc sống. Chủ nghĩa căn bản xuất hiện không chỉ trong cộng đồng đạo Hồi, mà ở cộng đồng Thiên chúa giáo và cả Phật giáo. Đứng trước rất nhiều đảo lộn liên tục của đời sống, nhiều người thấy bất an. Họ bắt đầu tách bạch đời sống thành ranh giới cứng nhắc như trắng và đen, bản thân họ luôn đúng còn người khác thì luôn sai lầm. Họ sân giận với những người có quan điểm khác với mình. Họ cũng luôn cảm thấy không thỏa mãn. Sự bất an là nguồn gốc của sân hận. Họ không chấp nhận những người, những thứ tốt lành, cao đẹp hơn mình, họ ghét những ai có những phẩm chất tốt lành hơn mình. Họ luôn xem người khác phải thấp kém hơn mình, phải đáng đi xuống các cõi thấp, bởi vậy họ sẵn sàng làm tổn hại, lạm dụng và sát hại người khác; được hứa hẹn rằng thiên đường là phần thưởng cho hành động sát hại người khác, họ cảm thấy bản thân thực sự cao quý hơn. Đó là thái độ tàn ác của thời Trung cổ.

Tenzin Palmo hiện là chủ tịch Sakyadhita, Hội Phụ nữ Phật giáo thế giới tại New Delhi tham dự hội thảo về Tránh Xung đột và ý thức về Môi trường được tổ chức bởi Hiệp hội Vivekananda quốc tế.

Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo

La Sơn Phúc Cường, dịch từ http://www.speakingtree.in/article/insecurity-makes-you-aggressive.

 

Trước Bé tập làm "Siêu nhân" tại Khóa tu GHTT kỳ 46
Sau Quan điểm của ngài Long Thọ về đạo trị quốc

Thông tin tác giả

Bài viết bạn có thể thích

Phật Học

Bệnh đổ thừa

QATV.VN – Chúng ta phải quay trở về thực tập, học thấy lỗi của mình để chuyển hóa bản thân.  Có bao nhiêu người trong chúng ta, khi gặp chuyện gì

Thư Viện

Thiết lập bản đồ tâm thức

Tất cả các truyền thống tôn giáo đều nói về tình yêu thương, lòng bi mẫn, sự hài lòng, khoan dung, và quan điểm triết học khác nhau của các

Thư Viện

Căn nguyên của những khổ đau trong xã hội

Xã hội đang quá quan tâm đến sự phát triển cá nhân. Chúng ta quá coi trọng cá tính của riêng mình. Dường như có nghịch lý, bởi một mặt,