Luận giải về Phật giáo Kim cương thừa và các truyền thống Tạng truyền
03/06/2014 950 Lượt xem

Luận giải về Phật giáo Kim cương thừa và các truyền thống Tạng truyền

Tây Tạng bắt đầu chịu ảnh hưởng của Phật giáo vào thế kỷ thứ 7 trong triều đại của vua Songtsen Gampo. Đức vua đã kết hôn với hai vị công chúa, một người Trung Quốc và một người Nepal. Hai vị công chúa đã mang theo các tôn tượng Phật tới Tây Tạng, khởi nguồn cho việc tìm hiểu và tu học giáo pháp của đức Phật trên khắp đất nước. Sau đó, đức vua Trisong Deutsan nhận ra rằng Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ và ngài đã chuyển hướng tìm hiểu và tu học trực tiếp từ Ấn độ. Đức vua đã thỉnh mời đại Phương trượng Shantarakshita từ Đại học Nalanda và ngài đã bắt đầu đảm nhận trọng trách hoằng dương Phật giáo rộng khắp miền đất tuyết. Ngài là một học giả vĩ đại, bậc sáng lập nên truyền thống Yogachara – Svatantrika – Trung Quán luận, truyền thống đã hợp nhất tri kiến của đạo sư Long Thọ và Vô Trước với logic học và nhận thức luận của ngài Pháp Xứng. Ngài cũng bắt đầu dự án dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang ngôn ngữ Tạng, hệ thống này được kết tập trong các bộ Kangyur và Tengyur. Ngài trước tác các bộ luận “Tràng hoa lý Trung đạo” và “Thực tại Tập luận” mà ngày nay chúng tôi vẫn tiếp tục tu học; công trình đầu tiên bàn về các vấn đề triết học và công trình thứ hai về vấn đề logic và nhận thức luận Phật giáo.

2014-04-10-Kyoto-G06

Đức Đạt Lai Lạt Ma luận giảng về Phật giáo Kim cương thừa tại Đại học Shuchi, Kyoto, Nhật Bản 

Đệ tử của đại Phương trượng Shantarakshita là ngài Kamalashila, một học giả uyên bác, cũng đã được thỉnh mời tới hoằng pháp sau đó. Ngài đã trước tác bộ luận “Ngọn Hải đăng của truyền thống Trung đạo” và một bộ luận về tác phẩm “Thực tại Tập luận” của bậc thầy mình. Hai đạo sư này đóng vai trò chính cho việc thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Quý ngài đã thành lập giới luật là nền tảng của giáo lý tại đây.

Đạo sư Liên hoa sinh (Guru Padmasambhava) có vai trò khiển trừ và điều phục các thế lực gây chướng ngại cho sự phát triển của Phật giáo. Ngày nay ngài cùng với đại Phương trượng Shantarakshita và đức vua Trisong Deutsan được tôn kính là ba vị đặt nền móng cho các dòng Phật giáo Tạng truyền.

Là một Tỳ kheo, bản thân ngài Shantarakshita đã trì giữ giới Luật, trong khi đó, qua bộ luận “Tràng hoa của lý Trung đạo” cho ta thấy việc thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm và trí tuệ Tính không của ngài, còn qua bộ “Chương luận về Thực tại” là minh chứng ngài đã thực hành Kim cương thừa với những Yoga Tantra ở mức cao cấp nhất. Nói tóm lại, ngài là một mẫu mực của truyền thống Phật giáo Nalanda.

Có thể truy xét nguồn gốc cách tiếp cận này chính từ đức Long Thọ, ngài đã đặt giới luật làm nền tảng của sự thực hành, trưởng dưỡng tâm Bồ đề thông qua các phương pháp cho – nhận. Các bộ luận của ngài cũng cho thấy nội dung rõ ràng của Kinh Bát nhã Ba la mật, trí tuệ Tính không, và sự thực hành các giai đoạn phát khởi và hoàn thiện của Kim cương thừa với các Yoga Tantra cao cấp nhất. Các đệ tử của đức Long Thọ là ngài Thánh Thiên, Pháp Xứng cũng theo cách tiếp cận tương tự. Điều này cho thấy nguồn gốc của truyền thống Phật giáo Tạng truyền, nơi một hành giả cần phải trì giữ bao gồm cả ba giới nguyện, giới nguyện pratimoksha, giới nguyện Bồ Tát và giới nguyện Kim cương thừa.

Truyền thống Phật giáo Tạng truyền là một truyền thống bao gồm nguyên vẹn toàn bộ giáo pháp của đức Phật, và đang được thực hành, trì giữ nghiêm mật thông qua sự tu học và thực hành rất nghiêm ngặt tới tận ngày nay.

Tứ Diệu Đế là nền tảng của tất cả giáo pháp đạo Phật, 37 phẩm trợ đạo giác ngộ cũng phổ biến trong tất cả các truyền thống đạo Phật. Tiếp đến, trong truyền thống ngôn ngữ Sanskrit, chúng ta thấy giáo pháp Bát nhã được đức Phật truyền trao trên đỉnh Linh Thứu trước sự vân tập của các đại đệ tử như Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền. Đây là những giáo pháp được đức Phật truyền trao trong lần chuyển pháp luân thứ hai, chủ yếu đề cập tới tính vô ngã của pháp và tâm. Các giáo pháp này bao gồm cả Bát nhã Tâm kinh mà chúng ta vừa trì tụng, đó là bài đối thoại giữa ngài Xá Lợi Phất và Bồ Tát Quán Thế Âm. Giáo pháp này đã không được truyền trao rộng khắp đại chúng, mà chỉ cho những đệ tử đã có nghiệp thanh tịnh, có năng lực thấy nghe được lời Bồ tát Quán thế âm và ngài Xá Lợi Phất.

Trong lần chuyển Pháp luân thứ nhất, đức Phật đã truyền trao Tứ Diệu Đế, giáo pháp được phổ biến cho đại chúng, bởi đã được ghi chép lại trong lịch sử, lần chuyển Pháp luân thứ hai, đức Phật chủ yếu truyền trao các giáo pháp về trí tuệ Bát nhã, chủ yếu làm rõ ý nghĩa của Diệt đế, khả năng và con đường tiến tới giác ngộ. Đồng thời cũng chỉ rõ những phẩm hạnh của một vị Phật. Lần chuyển Pháp thứ ba, đức Phật truyền trao những giáo pháp về tự tính Phật và bản chất tịnh quang của tâm thức, và các phương pháp để sử dụng chúng. Đây chính là nền tảng của việc thực hành các chân ngôn bí mật hay giáo pháp Kim cương thừa. Ngài luận giải rằng, lần chuyển Pháp luân thứ hai và thứ ba không phổ biến rộng rãi cho đại chúng mà cho những nhóm đệ tử có căn cơ nhất định.

Nhìn lại lịch sử, có nhiều cuộc tranh luận về vị trí của Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa. Một số người đã cho rằng Phật giáo Đại thừa hay Kim cương thừa không phải do chính đức Phật tuyên thuyết. Nhắc lại những băn khoăn của một học giả Phương Tây về tính xác thực của Phật giáo Đại thừa tại một hội nghị khoa học ở Delhi, khi ấy ngài đã khuyên rằng, các học giả vĩ đại Ấn Độ như đức Long Thọ sống chỉ sau thời của đức Phật 4 thế kỷ ở địa vị tốt hơn để đánh giá về vấn đề này. Các lập luận và minh chứng trong các bản viết của ngài cho thấy đức Long Thọ đã rất lôgic và khoa học trong cách tiếp cận về các vấn đề như vậy. Đức Long Thọ đã khảo cứu kỹ càng và đã bảo vệ tính chân xác của Đại thừa, lập luận rằng đó chính là được truyền trao bởi chính đức Phật. Ngài Maitreya, Bhavaviveka và sau đó là đức Shantideva đã cũng minh chứng cho tính xác thực và chân thực của truyền thống ngôn ngữ Sanskrit, của việc thực hành Bồ tát thừa – trí tuệ Bát nhã và Kim cương thừa.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao có nhiều truyền thống, tông phái như vậy. Câu trả lời là mỗi chúng sinh có nhu cầu và căn cơ khác nhau. Tâm nguyện chính của hàng Thanh Văn, Duyên giác là đạt giải thoát và các ngài tập trung thực hành Tứ Diệu Đế cùng 37 phẩm trợ đạo, Thập nhị Nhân duyên. Đối với Bồ Tát thừa, mục tiêu không phải là sự giải thoát của riêng bản thân, mà hướng tới giảm thiểu những khổ đau của tất thảy chúng sinh. Con đường Bồ tát tập trung vào tam học và chứng đạt Phật quả. Trong thực hành Kim Cương thừa, giáo lý Đại Toàn thiện (Dzogchen) đề cập tới chín thừa, trong khi những tantra của các truyền thừa tân phái đề cập tới bốn thứ lớp tantra. Hai quan kiến này thực ra là tương ứng, không khác. Tất cả các pháp thực hành đều nhấn mạnh tới sự thấu hiểu bản chất tâm. “Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích chung. Tôi không tự nhận mình là một hành giả cao cấp, nhưng sau khi thụ nhận rất nhiều giáo pháp, tôi đi tới kết luận rằng tất cả những giáo pháp đều hợp nhất ở một điểm chung.” Ngài đã trích dẫn sự luận giảng chi tiết của đạo sư Pháp xứng về năm giai đoạn của Tantra:

1. Giai đoạn phát khởi

2 . Giai đoạn hoàn thành

3 . Giai đoạn cách ly

4 . Giai đoạn huyễn thân và tịnh quang

5 . Giai đoạn hợp nhất

Giai đoạn phát khởi liên quan đến việc quán tưởng các Bản tôn. Trong Yoga Tantra cao cấp nhất, việc thực hành cần hợp nhất ba thân Phật, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân trên con đường thực hành thông qua các tiến trình chết, giai đoạn trung gian và tái sinh. Trong khi các kinh điển Hiển giáo dạy về việc cần phải mất ba ATăng tỳ kiếp hoặc nhiều hơn nữa mới có thể chứng đạt Phật quả thì kinh điển Mật giáo dạy rằng có thể chứng đạt tới quả vị Phật trong một đời trong một thân người.

Đức Dalai Lama

Jigme Kelden dịch

(Trích dịch từ bài giảng của Đức Dalai Lama tại đại học Shuchi, Nhật Bản, ngày 10/4/2014)

Trước Gieo Hạt Từ Tâm Kỳ 26 "Trở về tuổi thơ"
Sau Đăng ký khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm kỳ 27 - "Mùa Hè cho Bé"

Thông tin tác giả

Bài viết bạn có thể thích

Đặt Tin Chính

Chương trình hành hương, dự pháp hội 1000 năm Naropa (13 ngày, 12 đêm)

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG & THAM DỰ PHÁP HỘI KỶ NIỆM 1.000 NĂM NAROPA (13 ngày – 12 đêm) Ngày khởi hành: 09/07/2016 (mùng 06/06 ÂL) – Ngày 09/07: TP.HCM

Phật Giáo Việt Nam

Buổi họp mặt các vị Ni trẻ toàn quốc

Buổi họp mặt các vị Ni trẻ do Phân Ban Ni giới Trung ương tổ chức sáng ngày 14/12/2013 tại Chùa Phước Hải, Q.10, Tp. HCM nhằm kêu gọi chư Ni trẻ sau

Gieo Hạt Từ Tâm

Đăng ký khóa tu GHTT kỳ 32 với chủ đề “Người Lái Đò”

06:00 – 07:30: Các tu sinh tập trung, nhận thẻ, đồng phục và ổn định chỗ ngồi trong giảng đường theo sự hướng dẫn của các bạn TNV & các