Ngũ đại và phong cách mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng
22/02/2013 125 Lượt xem

Ngũ đại và phong cách mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng

 

 

 

Ngũ đại Địa-Thủy-Hỏa-Phong-Không là năm yếu tố được sử dụng để mô tả phong cảnh trong mỹ thuật Tây Tạng, trong đó địa tượng trưng bằng các tảng đá, hang động, đồng cỏ, núi non và giả cảnh; thủy được mô tả bằng sông, hồ, thác nước; hỏa được minh họa bằng ngọn lửa và vầng hào quang; mây là biểu hiện của phong, còn các đường hào quang và cầu vồng tượng trưng cho không.

Hùng vĩ đến nghẹt thở như vốn dĩ thiên nhiên bên ngoài vẫn thế, tranh phong cảnh Tây Tạng không còn là bức vẽ tĩnh mà là sự phản ánh thế giới tưởng tượng nội tâm của người nghệ sĩ về thiên quốc của chư thiên.

Trong một bức tranh phong cảnh tỏa sáng từ bên trong thì luật phối cảnh, tỷ lệ và bóng đậm nhạt đã mất hết tính vững bền thường có. Một đỉnh núi đường chân trời cũng rõ nét như một bông hoa cận cảnh. Không một vật gì bị giấu đi hay bị vẽ phác bằng vài nét: tất cả đều nằm trong bố cục thể hiện tính độc lập “tự thân” và đều được vẽ tỉa tỉ mỉ, rõ ràng.

Địa

Chịu ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật Trung Hoa, nghệ thuật vẽ phong cảnh Tây Tạng chuyển từ sự thanh bình tĩnh lặng và được vẽ hoa mỹ sang hình thức thể hiện động bằng các đường kẻ và hình khối. Tính động này được biểu hiện mạnh mẽ nhất qua sự mô tả các tảng đá, những vỉa đất trồi lên và bề mặt các vách đá. Kỹ thuật màu được ưa chuộng nhất khi đánh bóng tảng đá là trộn giữa màu thanh thiên và xanh lá cây. Màu thanh thiên azurit và màu xanh lá cây malachit – hai loại màu khoáng chất được lấy từ đá tự nhiên – khi xay ra có thể tạo ra ba cung bậc màu khác nhau: xanh nhạt, xanh vừa và xanh sẫm.


Tháp Ngũ đại trong hồ Bán Nguyệt – chùa Thiên Trù

Điểm xa nhất của tảng đá được đánh bóng bằng tông thanh thiên sẫm, ngả dần sang tông thanh thiên nhạt hoặc xanh lá cây. Đường viền của tảng đá và các nếp núi được vẽ màu chàm đậm. Các nếp núi riêng rẽ được tô bằng màu nhuộm giữa màu thanh thiên và xanh lá cây, tạo cảm giác lớp toan như ánh lên màu của châu báu.

Những tảng đá được tô màu nâu, màu hoàng thổ hoặc màu xám có tác dụng bổ sung cho những tảng đá màu thanh thiên và xanh lá cây, tạo ra một dải các màu sắc khác nhau. Những đường nhấn vàng chạy song song và nằm phía trong các đường viền màu chàm sẫm tạo độ sáng cho tảng đá.

Thủy

Biểu đạt đơn giản nhất của nước trong tranh phong cảnh là hồ hoặc ao được vẽ bằng các hình tam giác từ trên xuống, hình thành ở vùng giao nhau của hai ngọn đồi dốc. Những hồ này thường được tô màu theo nhiều lớp ngang, từ thanh thiên đậm phía nền tới thanh thiên trung bình phía trên.

Những con sóng nhỏ được tô màu từ thanh thiên sẫm tới thanh thiên nhạt, những đường viền trắng được tô trên đỉnh những ngọn sóng. Mặt hồ thanh thiên sẫm, yên tĩnh, phẳng lặng như gương phản chiếu một cách tự nhiên bầu trời phía trên. Những dòng nước nông hơn như suối và thác nước thường được vẽ bằng tông màu thanh thiên nhạt.

Những dòng suối chảy xiết, uốn quanh các ngọn núi thường tạo ra những ngọn sóng nhỏ lăn tăn hình vòng cung. Thác nước được vẽ bằng những đường kẻ song song uốn nhẹ, giống như một tấm rèm được buông từ vách đứng phía trên. Những đường song song này chạy thẳng vì thác nước rơi thẳng đứng. Nguồn của thác nước gồm vô số những con sóng cuộn trào.

Mỹ thuật Tây Tạng mô tả rất chân thực những con nước cuồng loạn. Việc quan sát tỉ mỉ chuyển động tự nhiên khi nước xuống hoặc thác nước đổ giúp nghệ sĩ thể hiện rõ ràng tác động qua lại phức hợp của các dạng nước. Những ngọn sóng nhấp nhô được hình thành do thủy lực và những ngọn sóng cong cong hình lưỡi hái tự đổ xuống nhờ trọng lực của chính nó, làm giảm đi xung lượng sóng. Những hạt nước nhỏ tung ra từ những ngọn sóng nhấp nhô, treo lơ lửng chốc lát trong không trung. Hình dáng tinh tế của những ngọn sóng nhấp nhô giữa những con sóng lượn cong yêu kiều đầy sức biểu cảm: người xem hầu như có thể cảm nhận được lực đẩy của dòng nước.

Hỏa

Những đám lửa cuồn cuộn xung quanh các vị thần phẫn nộ tượng trưng cho sự giận dữ và được coi là “ngọn lửa của nhận thức”. Mặt trời – biểu tượng của trí tuệ thuần khiết – tàn lụi vì lửa, nhưng bản thân nó lại không tự bốc cháy. Giống như mặt trời, giận dữ tồn tại cùng với tính không tối thượng, giống như vũ trụ tĩnh của pháp giới, như tính chân thực tuyệt đối của tâm Phật giác ngộ. Sự giận dữ của những vị thần này không phải là cơn giận thông thường mà là cơn giận trí tuệ biểu lộ qua hầu hết những vật thể tự nhiên không thể phá hủy như Kim Cương (Vajra).

Những vầng hào quang bừng lửa mô tả các dạng giận dữ còn được gọi là kalagni. Kalagni theo nghĩa đen là “ngọn lửa phút tận thế”, xung đột lớn cuối cùng của vũ trụ ở phút cuối của kỳ kiếp này. Theo chiêm tinh học, kalagni được coi là hành tinh thứ mười. Kalagni có bề mặt màu vàng, là hành tinh cao nhất trong số bốn hành tinh, nơi ngự của thần Kalachakra (ba hành tinh khác là sao La Hầu (Rahu) màu đen, mặt trời màu đỏ và mặt trăng màu trắng).

Cũng giống như mô tả nước, mỹ thuật Tây Tạng mô tả lửa theo phong cách tả chân: những lưỡi lửa vặn xoắn vào nhau và hướng lên một điểm phía trên, đỏ lại ở phía đỉnh ngọn lửa. Ngọn lửa xoắn lại bên này rồi uốn sang bên kia. Chuyển động ngang của ngọn lửa làm tăng thêm vẻ năng nổ của vị thần phẫn nộ được vẽ ở trung tâm ngọn lửa. Lửa còn bùng ra từ tim vị thần phẫn nộ. Một số vị thần, ví dụ Palden Lhamo, lại được bao quanh bằng những ngọn gió chứ không phải lửa. Gió được tô và đánh bóng bằng màu xanh lá cây là màu của không khí. Gió cũng có hình dạng giống lửa nhưng cuộn xoáy dày hơn và lưỡi thanh mảnh hơn, vì thế gió được tô màu dày đặc hơn và ít phức tạp hơn. Khi muốn mô tả sự giận dữ ở mức độ thấp hơn, họa sĩ mô tả không trung bằng những đám mây viền màu thanh thiên và màu chàm. Họa sĩ cũng có thể vẽ lửa bao quanh các vầng hào quang, lưỡi lửa thường liếm vào phía bên trong của vầng hào quang màu xanh lá cây, tượng trưng cho không khí.

Mây

Tây Tạng là vùng cao nguyên cao hơn mặt biển khá nhiều: đa số đất Tây Tạng ở độ cao hơn 3.600m so với mực nước biển. Với mức không khí loãng và bầu khí quyển thấp như vậy, bầu trời Tây Tạng xanh trong sâu thẳm, còn mặt trời thì sáng rực rỡ và có cường độ ánh sáng trắng rất mạnh. Tầm nhìn xa rất rõ và sự đối lập rõ ràng giữa vùng sáng và bóng râm làm rạng ngời phong cảnh Tây Tạng, làm mê hoặc người xem. Dưới ánh sáng đó, màu sắc nổi rất mãnh liệt, vầng hào quang xuất hiện quanh mặt trời, rặng núi đằng xa hiện ra tinh khôi và những đám mây màu trắng bạc bất chợt khúc xạ toàn bộ màu cầu vồng.

Tất cả các dạng vẽ mây đều xuất hiện trong mỹ thuật Tây Tạng. Mây không bao giờ nặng nề hay ảm đạm mà tràn đầy ánh sáng, với đủ màu sắc, kiểu dáng và rất sinh động. Vẽ mây trong những bức đồ hình thangka đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Những cuộn mây của đám mây nhiều tầng được vẽ bằng một loạt các vòng cung được cách điệu hóa nhằm diễn tả sự riêng biệt và rõ ràng của từng cuộn mây. Những đám mây tích tầng đối xứng vặn xoắn ốc theo nhiều tâm khác nhau tạo thành nhiều vầng cho mỗi đám mây. Trong mỹ thuật Tây Tạng, những đám mây tích tầng đối xứng có hai hay ba dấu phẩy xuất hiện rất nhiều và được gọi là đám mây “mặt sư tử” vì nó giống đầu sư tử.

Mây được đánh bóng bằng cách dùng màu nền trắng ở đỉnh mây rồi chuyển sang tông màu sáng ở gốc đám mây. Rất nhiều kỹ thuật màu được sử dụng để mô tả mây, trong đó có kỹ thuật rất phức tạp là đánh bóng kết hợp không gian ba chiều. Những đám mây tích tầng có gốc mây phẳng tựa trên một chùm mây nằm ngang và được đánh bóng suốt dọc chiều dài. Những đám mây đuôi ngựa bị cắt vạt xoắn lấy nhau phía dưới những cuộn mây, tạo cho người xem cảm giác là các đám mây đang trôi dọc bầu trời. Gờ mây được vẽ rõ ràng, tương phản sắc nét với nền trời hoặc nền phong cảnh màu sẫm.

Trong những bức mỹ họa thangka, chuyển động theo điệu múa của những đám mây cũng giống như vũ điệu ba lê linh thiêng trên thiên đường. Người nghệ sĩ phải bỏ ra rất nhiều thời gian để đánh bóng tinh xảo đám mây, bầu trời, nụ hoa, nước và tạo hình đá trong các bức thangka. Một bức mỹ họa thangka – thường là mất một năm để vẽ – là ví dụ sinh động cho kỹ thuật đánh bóng tinh tế đó.

Bầu trời

Bầu trời cao xanh thẳm và thiên nhiên xanh màu lá cận cảnh là những phần được tô màu đầu tiên khi vẽ thangka. Bầu trời chuyển màu dần từ thanh thiên nhạt ở đường chân trời tới xanh sâu thẳm phía đỉnh. Việc chuyển màu được thực hiện rất tinh tế bằng cách đánh bóng ướt: màu sắc được pha trộn hài hòa từ tông màu nhạt tới tông màu sẫm. Kỹ thuật đánh bóng đường kẻ cũng được áp dụng để mô tả sắc trời nhạt dần. Người nghệ sĩ vẽ một loạt những đường kẻ mảnh, ngắn, sẫm màu từ đỉnh dần xuống phía dưới; càng gần tới đường chân trời, những đường kẻ này càng to nét và nhạt màu hơn. Họa sĩ vẽ hàng ngàn đường kẻ như thế, tạo vẻ huyền ảo cho bức tranh. Một số bức thangka lại vẽ bầu trời phía đường chân trời bằng màu hoàng thổ, xanh lá cây nhạt hoặc vàng nhạt, rồi tô bầu trời phía trên bằng màu thanh thiên sẫm.

Sự thuần khiết trong sáng của bầu trời là ẩn dụ cho Tâm Phật. Mây trôi dọc ngang bầu trời cũng như những suy tư và ảo giác phù du, làm lu mờ bản chất chân thực của tâm vốn không thay đổi như bầu trời. Giống như tấm gương không hề bị tác động bởi những hình ảnh xuất hiện trước gương, bầu trời luôn trong sáng, tinh khiết và vô tận.

Cầu vồng

Cầu vồng là biểu hiện của vĩnh cửu trong cái ham thích nhất thời. Cầu vồng xuất hiện là điềm cát tường, kể cả khi nó báo sự qua đời của một bậc đại sư. Đối với các bậc đại sư, cầu vồng xuất hiện báo giờ hợp nhất của các ngài với “linh quang”, khi tâm đạt chứng tối thượng tựa như ánh sáng rực rỡ và tinh khôi, nơi không còn cảm giác bị “bỏ lại đằng sau” và khái niệm bản ngã – tha nhân được vượt qua.

Hình vòng cung của cầu vồng được gọi là “cây cung của Đế Thích Thiên,” một trong những binh khí của Đế Thích Thiên – thần bầu trời Vệ Đà thời cổ. Cầu vồng tự nhiên được tạo thành do hiệu ứng cầu vồng giữa ánh mặt trời và những giọt mưa, khi ánh mặt trời phản chiếu và khúc xạ trên từng giọt mưa tạo thành dải quang phổ. Bảy sắc cầu vồng-đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, thanh thiên, chàm và tím violet – chuyển màu hài hòa từ màu đỏ ở ngoài cùng tới tím violet trong cùng. Khi có cầu vồng kép thì thứ tự màu của cầu vồng thứ hai đảo ngược lại. Trong những dịp rất hiếm hoi, hiệu ứng cầu vồng cũng xảy ra khi có ánh trăng đêm, tạo ra một “cây cung trăng” bạc trên trời. Đôi khi ở những điểm cao, ví dụ trên những đỉnh núi mờ sương, người ta còn quan sát thấy cầu vồng tròn (còn gọi là “vầng hào quang”), tạo thành một vòng hào quang ánh sáng cầu vồng.

Tranh Tây Tạng thường vẽ cầu vồng trên những địa điểm hay vật thể linh thiêng, vươn rộng và đan xen với các cầu vồng khác hoặc với các đám mây nằm ngang. Trong tranh, cầu vồng trông như đuôi ngựa chứ hiếm khi được vẽ dưới dạng tự nhiên hình cánh cung và được tô màu theo thứ tự đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, thanh thiên; trên mỗi dải màu có vẽ xen lẫn những đường vàng thẳng hay lượn sóng.

Một hiện tượng huyền bí nổi tiếng trong truyền thống Tây Tạng là đạt được “thân cầu vồng” lúc chết. Dấu hiệu huyền bí này được gọi là “thân quang.” Khi một vị đại sư chứng được Đại Thủ Ấn (Mahamudra) và Đại Thành Tựu pháp (Dzogchen) thì đối với ngài, thế giới không còn giới hạn bằng những kích thước cụ thể. Lúc đó, tất cả các tướng đã chuyển về tính chân thực tối thượng giống Pháp Thân, không là một cũng không là khác.

Khi ý niệm về thân cá nhân không còn, cái “Tôi” trung gian giữa ý nghĩ mơ hồ và tướng vật chất được biểu hiện qua ánh sáng cũng không còn, khi đó thân vật chất được coi là tướng của ánh sáng. Những vị đại sư như thế sẽ để lại lời nhắn nhủ rằng nhục thân của ngài sẽ không bị phân hủy trong một thời gian sau khi ngài viên tịch. Trong suốt thời gian đó, cầu vồng xuất hiện nơi đặt nhục thân ngài với ngụ ý rằng tư tưởng của ngài đã hòa tan vào “linh quang”. Khi cầu vồng huyền diệu không còn xuất hiện nữa thì tất cả những gì còn lại của nhục thân ngài chỉ là quần áo, tóc, móng tay và móng chân.

Hiện tượng cầu vồng thường xuất hiện trong tang lễ các vị lạt ma đạt giác ngộ cao, kèm những hiện tượng kỳ lạ khác trên bầu trời như sự xuất hiện của đại bàng hay đám mây mang màu sắc cầu vồng hoặc mang hình dáng những biểu tượng cát tường.

Văn hóa dân gian Tây Tạng gắn hiện tượng cầu vồng với rất nhiều điềm báo. Cầu vồng trăng ban đêm được coi là điềm gở. Cầu vồng trắng báo hiệu cái chết của một hành giả yoga. Cầu vồng bao quanh mặt trời thường được làm bằng những viên pha lê băng, nhưng ở Tây Tạng, người ta tin đó là điềm báo sự ra đời hay viên tịch của một bậc đại sư.

Đường hào quang

Trong mỹ thuật Tây Tạng, đường hào quang tượng trưng cho sự tỏa sáng của trí tuệ và tình thương của chư thiên. Ánh sáng trí tuệ và tình thương của chư thiên được vẽ giống như tia mặt trời xuyên qua kẽ lá, tỏa ánh sáng lung linh huyền ảo. Một số bức thangka thời cổ vẽ đuôi ngựa uốn cong cuối tia hào quang thẳng và vẽ đóa sen tròn nhỏ cuối các tia hào quang hình sóng, trong đó đuôi ngựa tượng trưng cho trí tuệ, đóa sen nhỏ tượng trưng cho tình thương. Nếu cuối mỗi tia hào quang đều vẽ đuôi ngựa thì bức tranh đó muốn diễn tả khả năng của chư thiên có thể ôm ấp yêu thương tất cả chúng sinh vào trái tim mình.

Theo thuật giả kim Ấn Độ, hào quang màu thanh thiên sẫm của các vị thần được coi là thân bất diệt, tượng trưng cho ý nghĩ thuần khiết trong sáng của chư thiên, cho tình thương vô lượng và sự liêm khiết thần thánh. Những đường dát vàng tỏa ra từ trái tim chư thiên tượng trưng cho 72.000 khí lực linh thiêng thanh khiết của thân chư thiên hay thân Kim Cương.

Khi Đức Phật hay Bồ Tát hiện tướng ở một trong sáu cõi luân hồi, ánh sáng trí tuệ và tình thương của các ngài được khởi sinh từ các linh huyệt khác nhau trong cơ thể. Khi Đức Phật hiện tướng dưới hình thức chư thiên, đường hào quang khởi sinh từ chính giữa đỉnh đầu. Khi Đức Phật hiện tướng dưới hình thức atula, đường hào quang khởi sinh từ cổ họng; dưới hình tướng người, đường này khởi sinh từ chính giữa tim; dưới hình tướng súc sinh, đường này xuất phát từ giữa rốn; dưới hình thức ngạ quỷ, đường này bắt đầu từ bộ phận sinh dục; và dưới hình thức địa ngục, đường này xuất phát từ gót chân.

Vì tất cả chư Phật và chư Bồ Tát hiện tướng cho ta thấy dưới dạng người nên tia hào quang bao giờ cũng khởi sinh từ trái tim các ngài. Chỉ có một ngoại lệ được áp dụng khi vẽ các vị Đồ Cát ni, ví dụ như Vajrayogini – một vị hộ thần bán phẫn nộ – nhằm nhấn mạnh việc hành trì nội nhiệt; khi đó các tia hào quang xuất phát ngay phía dưới rốn.

Theo Vietnam+

Trước Thánh Nữ Khandro La
Sau Chùm ảnh “Giọt mồ hôi sa” của khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm QATV-TPHCM

Thông tin tác giả

Bài viết bạn có thể thích

Tin Tức 0 Bình luận

Khóa tu “Gieo hạt từ tâm” Kì 69 (30/09/2018)

Lá rời cây vì gió cuốn đi hay là vì cây không giữ lá lại. Mỗi bước nhân sinh con ngừoi bước đi quá vội vàng. Chúng ta phải nên

Phật Giáo Việt Nam

Phân ban Ni giới T.Ư thăm trường hạ miền Trung, Tây Nguyên

Từ ngày 11 đến ngày 15-7, Phân ban Ni giới T.Ư do Ni sư Thích Nữ Huệ Từ, Chánh Thư ký Phân ban làm Trưởng đoàn cùng quý chư Ni

Phật Giáo Quốc Tế

Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm và hoằng pháp tại Australia

QATV.VN – Ngày 04/06/2015, những con đường ẩm còn đọng nước mưa trắng xóa, bụi đường sạch bóng, không khí trở nên mát mẻ hơn những ngày gần đây, khi đức