Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa nói về hạnh phúc
Ngài Gyalwa Dokhampa, người Ấn Độ, là một vị Tulku, tức là một bậc hóa thân hay còn gọi là Phật sống. Theo các tài liệu của Truyền thừa Drukpa, Ngài là một trong hai hóa thân đời thứ 9 đang tại thế của bậc giác ngộ Khamtrul Rinpoche.
Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa thuyết giảng tại Hà Nội
Phóng viên Tiền Phong đã có cơ hội phỏng vấn Nhiếp Chính Vương khi ngài vừa đến Hà Nội.
Giả sử một người sống tốt, luôn giúp đỡ người khác và ra sức cống hiến cho xã hội thì có cần phải theo đạo Phật không, thưa Ngài?
Nếu chúng ta tuyên bố chúng ta là người tốt thì đó cũng chỉ là nhận định chủ quan thôi. Cũng giống như ta nói, từ mai tôi sẽ không giận dữ. Nhưng thực sự là bạn không thể giữ lời hứa đó.
Vì bạn có thể giận dữ bất cứ lúc nào, với bất cứ thứ gì bạn thấy. Bởi trong suốt cuộc đời bạn đã thực hành giận dữ, thực hành ghen tị, thực hành ích kỷ. Cho nên chỉ quyết định trở thành người tốt không thôi là vô cùng khó, vì thế mà chắc chắn là chúng ta phải thực hành.
Ngài nghĩ sao về quan niệm tuổi trẻ nên dành thời gian cho sự nghiệp và gia đình, về già hẵng nghĩ đến Phật pháp?
Theo quan niệm khá phổ biến này, mọi người cho rằng Phật pháp là cái gì đó thuộc về đời sau. “Ở đời sau, tôi sẽ đến cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà, bây giờ tôi còn trẻ, tôi chưa muốn đến đó sớm, tôi muốn ở Việt Nam,” chúng ta nghĩ như thế.
Trên thực tế, Phật pháp chính là cuộc sống của bạn. Hằng ngày bạn sống cuộc đời mình như thế nào, cách bạn nghĩ, cách bạn cư xử với người khác… tất cả đều cần được chuyển hóa thành pháp. Hẳn là bạn cũng muốn trở nên thành đạt mà không bị đau tim, không bị stress.
Với sự trợ giúp của Phật pháp, chắc chắn bạn sẽ chăm lo cho gia đình mình theo cách tốt hơn, bạn trở thành người chồng tốt nhất, người vợ tốt nhất, người cha thấu hiểu nhất, người con thấu hiểu nhất… Phật pháp không tách rời cuộc sống của bạn.
Một ví dụ đơn giản, trong chuyến bộ hành vừa qua, chúng tôi rất mệt bởi vừa vượt qua 25km, nên khi ngồi xuống bên lề đường, chúng tôi thật hạnh phúc, chúng tôi không quan tâm ở đó có ghế nệm hay không. Khi ăn, vì quá đói, chúng tôi thấy cái gì cũng ngon, dù đó là đồ ăn theo kiểu Việt Nam hay Trung Quốc.
Cho nên, lần tới khi vợ bạn nấu món gì không được ngon lắm, bạn sẽ không giận cô ấy. Đồng nghiệp đôi khi đối xử với bạn không tốt, bạn vẫn chấp nhận, sau khi bạn đã tham gia chuyến đi bộ thực hành Phật pháp.
Có lúc cuộc đời bạn thật suôn sẻ, nhưng ngay sau đó lại không như vậy, bạn vẫn đón nhận, vì bạn đã thực hành Phật pháp. Thực hành Phật pháp sẽ giúp bạn thành công hơn, có sự nghiệp tốt và gia đình hạnh phúc.
Ngài có thể lý giải căn nguyên căn bệnh thờ ơ vô cảm của một bộ phận giới trẻ ngày nay? Làm thế nào để đánh thức trong họ những giá trị của tình yêu thương, sự cảm thông?
Tôi nghĩ rằng chúng ta bị ảnh hưởng lối nghĩ Tây phương quá nhiều. Truyền thống văn hóa của châu Á chúng ta luôn nói về gia đình, đất nước, làng xóm. Chúng ta luôn biết rằng nếu gia đình tôi hạnh phúc, thì tôi hạnh phúc.
Chúng ta hiểu rằng hạnh phúc của bản thân phụ thuộc vào nhiều người khác, chứ không chỉ vào chính ta. Cách nghĩ hiện đại của phương Tây cho rằng hạnh phúc của tôi xuất phát từ tôi, tôi chịu trách nhiệm làm cho tôi hạnh phúc. Cũng có nghĩa là, tôi không quan tâm tới hạnh phúc của anh, vì hạnh phúc của tôi không nhờ anh mà có…
Thoạt đầu sống theo quan điểm phương Tây, bạn thấy mình có rất nhiều tự do, tha hồ làm những gì bạn thích, khỏi phải quan tâm đến ai, kể cả bố mẹ bạn.
Vài năm đầu là như thế, nhưng dần dần bạn nhận ra rằng bạn không quan tâm đến ai thì rồi cũng chẳng ai quan tâm đến bạn. Bạn sẽ không nhận được, hoặc cũng không giữ được tình yêu, tình bạn, vì bạn nghĩ hạnh phúc chỉ đến từ bản thân.
Văn hóa phương Tây luôn đề cao cá nhân, lúc nào cũng “tôi”, “tôi”, dần dần làm cho người ta trở nên cô đơn, tuyệt vọng, mất khả năng quan tâm tới người khác.
Người ta không cần sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Ngay cả trong hôn nhân, hai người vẫn rất độc lập. Nhiều khi không quan tâm đến người khác lại được hiểu là tôn trọng họ. Cho nên kể cả khi ở bên nhau, người ta vẫn rất cô đơn.
Văn hóa truyền thống Á châu có điểm tương đồng với quan điểm Phật giáo, đặc biệt là dòng Đại thừa. Phật giáo Đại thừa cho rằng, khi mọi người xung quanh tôi hạnh phúc, thì tôi cũng tự động trở nên hạnh phúc.
Ngài có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang trên con đường lập nghiệp?
Tôi cảm thấy những người trẻ ở khắp nơi đang bị bủa vây bởi một thông điệp sai lầm từ thế giới bên ngoài, nhất là từ truyền thông.
Đó là, để hạnh phúc, chúng ta đều phải trông giống như các ngôi sao điện ảnh, chúng ta phải lái loại xe mà ngôi sao có, chúng ta phải cực giàu như các ngôi sao. Theo tinh thần đó, thử xem trên tivi, mọi người trông đều giống như nam thần, nữ thần, rất ít giống con người bình thường.
Những thứ vật chất đúng là rất cần, bạn cần phải tồn tại, phải lo cho gia đình nhưng hạnh phúc đến không chỉ từ vật chất. Hạnh phúc đến từ nhiều nguồn khác, từ gia đình, từ bạn bè, từ thiên nhiên, từ sức khỏe, từ sự bình an trong tâm trí, cũng như qua sự thông hiểu Phật pháp, thiền định. Bạn cần tất cả những thứ đó để hạnh phúc.
Với các bạn trẻ, tôi chỉ muốn nói, tất nhiên là chúng ta nên học hành thật tốt, làm việc hết mình, trở thành người cống hiến thật nhiều cho xã hội. Nhưng cùng lúc, đừng để những hình mẫu đó gây sức ép đối với bạn.
Chắc chắn rằng không phải ai cũng trở thành như vậy. Mà cho dù bạn có trở thành như vậy, thì cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ hạnh phúc. Thứ nữa, người ta hay nói thanh niên là tương lai của đất nước, nhưng các bạn cũng là hiện tại của đất nước.
Vì thế, những gì các bạn cảm thấy, những hành động, thái độ của các bạn ảnh hưởng đến cả nước. Nhất là đối với một đất nước mà thanh niên chiếm 70% dân số như Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Hà
Theo Báo Tiền Phong
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Khóa tu Thiền “Tâm An Lạc” lần 3 (20/5/2018)
Khóa tu Thiền Tâm An Lạc lần 3 đã được diễn ra tại Quan Âm Tu Viện vào hôm nay, ngày 20-05-2018 (06-04 Mậu Tuất) Mở đầu thời khóa là
Bỏ ác hành thiện lại gặp họa người chết nhà tan, phải chăng trên đời không còn thiên lý?
Đinh Vĩnh Mậu, là một thương nhân người An Đông, bụng nhiều tâm kế lại giỏi kinh doanh. Những năm cuối đời mở một cửa hàng kinh doanh các loại
Pháp Vương Drukpa: ‘Tình yêu thương bắt đầu bằng sự hiểu biết’
‘Hãy coi người khác quan trọng hơn chính mình, coi tự nhiên, môi trường quan trọng hơn chính mình, chúng ta sẽ được hưởng thành quả từ đó’ – Pháp