Những phát hiện mới về Đức Phật
Nghiên cứu mới đã cung cấp chứng cứ khảo cổ đầu tiên về sinh quán của Đức Phật, được xác định vào thế kỷ thứ 6 trước CN.
Giới tăng lữ hành hương tại đền Maya Devi ở Lumbini, Nepal Ảnh: National Geographic
Như Thanh Niên đã đưa tin, các nhà khảo cổ học tại Nepal cho hay đã phát hiện dấu vết của một cấu trúc đền cổ có liên hệ đến nơi sinh của thái tử Siddharta Gautama, người sáng lập ra đạo Phật. Theo đó, các chuyên gia đã tìm thấy tàn tích của một cấu trúc cổ hơn, được khai quật tại đền Maya Devi ở Lumbini (Nepal), vốn được đặt theo tên hoàng hậu Maha Mada và cũng là nơi trước nay được tôn vinh là nơi hạ phàm của nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo. Kết quả phân tích mới đây đã lần đầu tiên cung cấp chứng cứ vật chất khảo cổ kết nối sự kiện ra đời của Đức Phật và tôn giáo do ngài sáng lập với một mốc thời gian cụ thể. Theo đó, quá trình khai quật tại Nepal đã từng bước hé lộ sự hiện diện của một đền thờ Phật giáo tại nơi được cho là sinh quán của Đức Phật vào thế kỷ thứ 6 trước CN.
Cuộc nghiên cứu, được đăng trên chuyên san Antiquity, mô tả phần còn lại của cấu trúc bằng gỗ có kích thước và hình dạng tương tự như đền thờ nằm trên cùng một địa điểm vào thế kỷ thứ 3 trước CN. Chứng cứ trước đây về các cấu trúc Phật giáo tại Lumbini được xác định có niên đại sớm nhất là đến thế kỷ thứ 3 trước CN. Lâu nay, giới học giả luôn tranh cãi về thời điểm hạ phàm của Đức Phật, dao động từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 8 trước CN. Còn theo truyền thống Nepal, mốc thời gian được nhiều người chấp nhận là vào năm 623 trước CN. Chứng cứ mới phát hiện khá khớp với khung thời gian này, từ đó giúp các chuyên gia bổ sung nền tảng lịch sử của Đức Phật. Các nhà khảo cổ học cũng tìm được chứng cứ để rút ra kết luận rằng từng có một thân cây mọc tại trung tâm cấu trúc di tích cổ. Theo đó, phần trung tâm của ngôi đền cổ không có nóc và luôn được mở ra, cho thấy khu đền trước đây xung quanh thân cây này, ủng hộ câu chuyện truyền miệng rằng mẹ của thái tử Siddharta – hoàng hậu Maha Mada – đã vịn vào nhánh cây trong lúc chuyển dạ.
Lumbini tại Nepal là một trong bốn địa điểm chính được cho là có liên quan đến cuộc đời của Đức Phật. Theo đó, Bodh Gaya là nơi Đức Phật tìm được ánh sáng giác ngộ, Sarnath là nơi đầu tiên ngài thuyết giảng, còn Kusinagara là nơi viên tịch. Theo cuộc nghiên cứu, Lumbini nằm trong một khu hỗn hợp gồm rừng cận nhiệt đới, đầm lầy, đồng cỏ, giữa biên giới Nepal với Ấn Độ và rặng Siwalik của Himalaya. Những tài liệu lịch sử cho thấy những đoàn du khách nối nhau đi hành hương đến Lumbini trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, sau đó các chuyến hành hương chẳng biết vì sao lại gián đoạn kể từ thế kỷ 15 trở đi và không ai còn biết đến địa điểm chính xác của nó.
Đến năm 1896, may mắn là Lumbini lại được tìm thấy, và những người phát hiện cam đoan rằng họ đã tìm được nơi chào đời của Đức Phật, dựa vào chứng cứ duy nhất là cột đá có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước CN. Những chữ khắc trên thân cột ghi rõ vua Ashoka từng đến thăm nơi sinh ra thái tử Siddharta.
Hiện có khoảng 500 triệu tín đồ đạo Phật trên toàn thế giới, nhưng khởi nguồn chính xác của tôn giáo này vẫn là một ẩn số. Cuộc đời của Đức Phật chủ yếu được lưu lại qua các câu chuyện truyền miệng, và hiếm khi có được chứng cứ thực tế về những năm đầu đời của thái tử Siddharta. Do vậy, kết quả nghiên cứu trên được xem là phát hiện gây chấn động về mặt khoa học và đối với cộng đồng đông đảo của tín đồ Phật giáo. Theo CNN dẫn lời Trưởng nhóm nghiên cứu Robin Coningham, Giáo sư của Đại học Durham (Anh): “Đây là một trong những dịp hiếm hoi khi mà niềm tin, truyền thống, khảo cổ và khoa học đều ăn khớp với nhau”.
Hạo Nhiên
Theo báo Thanh Niên
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
CHƯƠNG TRÌNH NGÀY 30 THÁNG CHẠP NĂM MẬU TUẤT & ĐÓN GIAO THỪA XUÂN KỶ HỢI 2019 QATV
Ngày 30/12/ Mậu Tuất (04/02/2019): – Từ 18h30 – 19h30: Lễ sám hối cuối năm Ngày 01/01/Kỷ Hợi, Vía Đức Phật Di Lặc (Mùng 1 Tết, tức ngày 05/02/2019) –
Talkshow TÔI LÀ PHẬT TỬ – Số 13: Nhân quả nghiệp báo
TÔI LÀ PHẬT TỬ 13 – Chủ đề: NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO • Với sự tham gia của khách mời: Bảo Sơn, Mc Quốc Bình • Tư vấn Phật pháp:
Nguyện cho người khác được hạnh phúc
Nguyện là mong cho, cầu mong cho, ước mong rằng… Khi nguyện cho người khác được hạnh phúc, chính ta liền có được hạnh phúc. Tại sao như thế?