Sự chuyển hoá của pháp môn “Thở và Cười”
Giáo sư toán Henri dạy học trò thở, cười làm nguôi cơn buồn, cơn giận, cơn nóng nảy bực bội. Học trò thực tập mỗi ngày trong mỗi lớp, kết quả rõ rệt, chúng học chăm chỉ, rất tấn tới. Nhưng dạy thì dễ, nói thì dễ nhưng khi áp dụng, chính giáo sư lại quên thở, quên cười, còn buồn, còn giận, còn bực bội.
Trong kỳ thi đệ nhất tam cá nguyệt, Henri chấm một xấp bài thi của một lớp. Không biết tại sao, có lẽ đó là mùa lễ, mùa Noel, chúng lơ là việc học nên bài thi kỳ đó quá kém, trung bình dưới 60%. Henri khi chấm bài, giận “sôi gan” vì những lỗi lầm chúng làm đều đã được dạy qua. Sáng hôm đó, khi vào lớp, Henri bước vào, cầm xấp bài liệng lên bài khá mạnh, không nói gì, nhìn học trò thở, nhưng chúng lại không mỉm cười như thường lệ và Henri cũng không mỉm cười, có lẽ sẽ mắng nữa… Nhưng lúc bấy giờ, có một cậu ngồi đầu bàn nhận diện được cái buồn, cái giận của Henri nên nói: “Souriez, Souriez, Henri.” “Cười lên, cười lên, Henri.”
Chỉ mấy tiếng đó là Henri bừng tỉnh, nở nụ cười, đó là nụ cười khoan dung, tha thứ, lòng từ bi bừng mở. Điều rất lạ là Henri bèn nói: “Các con, hôm nay thầy buồn vì các con làm bài thi quá dở, ngoài sự mong đợi của thầy. Đó là không phải lỗi của các con mà chính là lỗi của thầy, thầy xin lỗi các con.” Lời nói đó như một liều thuốc chữa trị được bệnh buồn, bệnh giận của Henri và cũng chữa trị luôn bệnh lo âu, sợ sệt của học trò. Chúng nở một nụ cười tuy còn dính chút lo âu, sợ sệt. Henri bèn tiếp: Hôm nay thầy sẽ giảng lại các lỗi đã phạm, các bài đã quên và các con phải chăm chú lắng nghe, tìm hiểu và hỏi lại tường tận những điều còn thắc mắc. Vào tuần tới thầy sẽ cho thi lại. Tất nhiên, với tinh thần nhẹ nhõm, chúng rất chăm chỉ ghi nhận. Vào tuần tới Henri cho bài, kỳ thi này khó hơn một chút nhưng kết quả quá hay, trung bình cả lớp trên 78%. Kết luận, nhờ học thở, học cười, ngồi thiền đều đặn, hạt giống từ bi được tưới tẩm nên Henri được chuyển hoá mau lẹ cái giận, cái buồn thành niềm vui, lòng tha thứ rất có ích cho sự dạy dỗ các môn sinh, và đó cũng là niềm vui cho chính mình.
Hơi Thở Làm Tăng Trưởng Sự Nhẫn NhịnMột hôm, vào tháng tư, gần mùa thi toán quốc tế, môn toán cao cấp, học trò lớp Henri bèn tìm Henri xin học thêm. Chúng thấy có thời khoá trống, biết thời khoá biểu của Henri cũng trống vào giờ đó, chúng đến phòng giáo sư xin gặp. Một giáo sư khác trong phòng, tuy thấy Henri đang ngồi dựa vào lưng ghế, mắt nhắm lại (nhưng chưa ngáy!) nên lại đánh thức Henri. Học trò xin Henri dạy giúp chúng để được hiểu thêm bài. Không bao giờ từ chối sự dạy dỗ học trò khi chúng muốn học, Henri chấp nhận vào lớp trống đó và dạy thêm. Không ngờ, nửa chừng buổi học, bà Phó hiệu trưởng, hầm hầm vào lớp không gõ cửa, phán một câu: “Ai cho ông vào dạy lớp này, vào giờ này?” Henri quay lại nhìn Bà, ngạc nhiên nhưng đứng yên, nắm lấy hơi thở, nhìn học trò chờ chúng trả lời. Bà ta tức khí hơn nói: “Ở đây không phải là rừng, muốn làm gì thì làm” (Nous ne sommes pas dans la jungle!)
Trời đất quỷ thần ơi! Bà dữ quá, bà chửi thầy trò chúng tôi là đồ rừng rú, man rợ. Henri vẫn thở, vẫn mỉm cười, nói: “Xin lỗi, Bà hỏi học trò”. Học trò nói: “Hiện mùa thi gần tới, chúng tôi thấy phòng trống, muốn học thêm, chính là lỗi của chúng tôi chớ Henri thương mới dạy thêm cho chúng tôi”. Bà làm thinh. Học trò hỏi: “Bà có phòng nào trống nữa không?” Bà ta nói có và chỉ một phòng khác. Thầy trò chúng tôi bèn qua lớp khác tiếp tục vậy. Henri tỉnh bơ, có lẽ nhờ đã thở, cười, thiền đều đặn nên bông hoa nhẫn nhịn có dịp nở. Nhưng học trò chưa nguôi, không chịu được lời nói quá sỗ sàng, giận dữ của bà ấy, bèn xuống trình bày với ông Giám Đốc. Ông Giám Đốc gọi Henri xuống hỏi tự sự. Henri giải thích: Tuy bà Phó giận dữ, nói lời cộc cằn nhưng đó là lỗi của Henri và học trò đã không xin phép qua bà ấy. Ông Giám Đốc quá nể Henri và cũng sợ phụ huynh học sinh nữa nên mời Bà Phó đến xin lỗi Henri vì đã nói quá lời.
Tuy Henri thì tha thứ nhưng học trò đâu chịu! Sau đó trng tờ báo cuối năm của trường, chúng phê bình bà ấy nặng nề.
Kết luận: Nếu bà Phó biết xử sự một cách tỉnh thức thì đã không hấp tấp nói ra những lời thiếu ái ngữ làm buồn người khác và làm mình lãnh hậu quả xấu sau đó. Thở đi, cười đi, ngồi thiền đều đặn thì những bông hoa từ bi, nhẫn nhục sẽ nở lên tươi tốt và sẽ làm mình an vui, không làm người khác buồn lòng.
Nụ Cười Làm Nguôi Cơn GiậnMột hôm được tin ba mất ở Việt Nam, Henri không được về thăm Ba, buồn lắm. Vẫn đi dạy như thường lệ. Vào lớp, vẫn cho học trò thở, cười, xá chào như thường lệ nhưng Henri chỉ thở, chỉ xá và không cười được. Hết giờ dạy, Henri vẫn đứng trước cửa để học sinh đi ra xá búp sen và xá, nó dừng lại nói: “Tôi để ý thấy hôm nay Henri có nét buồn và thiếu nụ cười như thường lệ.”
Henri trả lời: “Nghe tin ba tôi mới mất nên tôi rất buồn.” Cậu ấy nói: “Cười đi Henri, Ba mất, buồn thật nhưng Henri cười thì Ba Henri mới cười và vui vẻ ra đi được bình an trong lòng.”
Henri bèn cười và cũng hổ thẹn nữa. Mình dạy học trò thở, cười để làm nguôi cơn buồn, cơn giận, cơn bực bội v.v… . Chúng nó thực tập rất thành công còn mình thì “chưa chín” gì cả. Nhờ sự nhắc nhở của học trò nên Henri bớt buồn rất nhiều vì nghĩ rằng sanh, lão, bệnh, tử là chuyện thường tình, mình phải sống an lạc, sâu sắc và thảnh thơi thì ông bà cha mẹ mình cũng an lạc, vui tươi nơi suối vàng (Sư Ông dạy như vậy mà).
Kết luận: Mỗi khi có chuyện buồn, nhớ thở và cười thì cái buồn khổ trong tâm giảm cường độ rất nhiều và nhất là làm cho người chung quanh cũng đỡ buồn theo. Nói thì dễ nhưng lòng dặn lòng, có buồn thì “buồn năm phút thôi!!!”
Theo langmai.org
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Thiết lập bản đồ tâm thức
Tất cả các truyền thống tôn giáo đều nói về tình yêu thương, lòng bi mẫn, sự hài lòng, khoan dung, và quan điểm triết học khác nhau của các
Ngài Naropa là ai?
Ngài Naropa (1016 – 1100), một vị thánh giả – học giả uyên bác Ấn độ, đã khởi đầu một truyền thống phong phú trong triết học Phật giáo. Di
Mật tông – Các giáo lý bí mật hay bí truyền
Mật tông là phần bí mật hay bí truyền của thực hành Phật giáo. Nó thường được gọi là Kim Cương thừa hay con đường kim cương. Mật tông cũng được sử