Thiết lập bản đồ tâm thức
Tất cả các truyền thống tôn giáo đều nói về tình yêu thương, lòng bi mẫn, sự hài lòng, khoan dung, và quan điểm triết học khác nhau của các tôn giáo đều nhằm thúc đẩy việc thực hành các giá trị tinh thần này. Người dân của một quốc gia Phật giáo có thể tiếp nhận những tư tưởng xuất phát từ tâm lý học Ấn Độ cổ đại bàn về thực hành thiền định và thiền quán. Để đạt tiến bộ trong thực hành, chúng ta cần có hiểu biết về tâm thức và cách thức vận hành của tâm. Theo quan điểm của Phật giáo, không có một đấng sáng tạo ra thế giới, cũng không có bất kỳ một cái tôi độc lập, tồn tại vĩnh cửu. Tất cả mọi thứ phát sinh do nhân duyên, nói cách khác, tất cả mọi thứ tồn tại trong sự phụ thuộc, tương tác với các yếu tố khác.
Thiết lập bản đồ tâm là hình thành một tầm nhìn rộng lớn hơn và đi đến thấu hiểu về toàn bộ hệ thống tâm thức và cảm xúc. Điều này sẽ giúp chúng ta hóa giải được nhiều rắc rối mà ta đang phải đối mặt. Ngôn ngữ Phật giáo có nghĩa là “tuệ nhãn nhìn thấu thế gian”. Ngày này sứ mệnh này được thực hiện bởi các nhà khoa học có tinh thần cởi mở, khách quan và không bị các định kiến chi phối.
Yoshio Imaeda, một học giả Phật giáo người Nhật, mở đầu loạt bài thuyết trình. Ông nhớ lại mình thật ngạc nhiên khi phát hiện ra cha mình không hiểu biết gì về những lời kinh khi tụng đọc trước ban thờ Phật của mình. Chư Tăng đến nhà ông giúp thực hành nghi thức hàng tháng cũng không luận giải được ý nghĩa lời kinh. Rõ ràng Phật giáo đã được thực hành chỉ bởi niềm tin chứ không dựa trên sự hiểu biết. Đây là lý do ông quyết định thực hiện các nghiên cứu của mình. Ông phát hiện ra rằng các dòng Tạng truyền có sự kết tập đầy đủ nhất các kinh điển Đại Thừa và là một truyền thống sống động. Ông cho rằng một phần không nhỏ chư Tăng Nhật Bản chủ yếu đi thực hành các nghi thức cho người đã mất, Phật tử Nhật Bản cũng chủ yếu dựa vào cảm xúc, thiếu sự hiểu biết. Ông kể lại lần đi đến ngôi chùa vào đầu năm mới, con trai ông thì mong cầu học giỏi, cô con gái thì mong cầu sức khỏe cho gia đình, trong khi đó những người bạn Tây Tạng của chúng lại cầu nguyện hết thảy chúng sinh chứng đạt Phật quả.
Trong bài trình bày của mình, Thupten Jinpa trích dẫn đoạn kinh trong Kinh Pháp Cú, “Tâm tạo ra thế giới” và kinh Udanavarga,”Một tâm thức kỷ luật là một tâm thức an lạc.” Tâm đóng một vai trò quan trọng. Không chỉ trong Vi Diệu pháp mà còn ở Nhận thức luận Phật giáo trong các tác phẩm của Trần Na, Pháp Xứng và Shantarakshita đã làm rõ bản chất và phạm vi của tri thức. Đức Đạt lai Lạt ma nhận xét rằng, trong khi chỉ có một bản kinh văn ngắn của Trần Na hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản thì ở Tây Tạng sở hữu một hệ thống phong phú kinh văn về nhận thức luận. Ngài nhớ lại, khi còn ở tuổi thiếu niên, ngài bắt đầu nghiên cứu các tư tưởng của ngài Pháp Xứng, lúc đó mỗi ngày ngài đặt ra nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong đó.
Arthur Zajonc đặt câu hỏi giữa việc thực hành và tu học, việc nào đến trước. Đức Đạt lai Lạt ma đề cập đến ba dạng thức của sự hiểu biết. Trước hết là lắng nghe, đọc và nghiên cứu, rồi dẫn đến niềm tin và các quan niệm. Các suy tư sâu sắc dẫn đến niềm tin và dần đi tới sự hiểu biết chân thực.
Với chủ đề “Thay đổi bộ não bằng thay đổi tâm thức”, Richard Davidson chia sẻ những phát hiện về hệ thần kinh, có thể hiển thị sự thay đổi tâm thức làm ảnh hưởng đến bộ não; trong hệ biểu sinh, cũng có thể hiển thị những thay đổi tâm thức làm bật hoặc tắt các gen nhất định; thông qua kênh thông tin hai chiều giữa tâm thức/ bộ não, cơ thể và các phẩm chất tốt đẹp bẩm sinh, đã phát hiện ra rằng, trẻ sơ sinh thích thân thiện hơn thái độ gây hấn. Khi ông muốn kiểm chứng kết quả nghiên cứu trong máy quét MRI, Ngài đã kêu gọi chư Tăng có kinh nghiệm của Nhật Bản và các thiền sư cùng tham gia vào nghiên cứu này. Khi Davidson cũng trình bày một dự án đang được thực hiện với những trẻ em quá hiếu động và thiếu khả năng tập trung (ADHD), Đức Đạt Lai Lạt ma cho biết ngài muốn những kết luận chính xác, đó có phải là kết quả của những ảnh hưởng môi trường bên ngoài hay do di truyền, và liệu có những liên quan nào tới tâm lý lo lắng và cảm giác bất an ở đây không.
Tiến sĩ Davidson báo cáo rằng, rèn luyện tâm từ bi thậm chí trong những khóa ngắn hạn, dành 30 phút mỗi ngày trong hai tuần cũng có thể cho thấy có tác động tích cực đối với bộ não. Cuối cùng, có một thực trạng là trẻ em giành quá nhiều thời gian chơi trò chơi máy tính, ông đã đưa ra một dự án thí điểm để phát triển các trò chơi giúp nuôi dưỡng các phẩm chất thiện ích và sự đồng cảm chứ không phải kích động thái độ gây hấn và xâm lược.
Ông Jay Garfield, người đã tiến hành các nghiên cứu sâu rộng và tham gia dịch thuật nhiều kinh văn triết học Phật giáo, đã bàn về sự cần thiết phải quán xét nội tâm để thấu hiểu tâm thức, nhưng đồng thời ông cũng cảnh báo về những ảo tưởng của nhận thức. Ông chứng minh một cách sinh động năng lực của ảo giác quang học và những khó khăn mà ngay cả khi chúng ta biết những gì mình đang nhìn thấy chỉ là hư ảo nhưng dường như chúng vẫn tồn tại. Ông đi tới luận điểm là, rất khó đo lường hoặc hiệu chỉnh kinh nghiệm nội tâm của bản thân. Việc sử dụng tâm thức để kiểm tra tâm thức, trở thành một công cụ như kính thiên văn hoặc kính hiển vi, nhưng trong trường hợp này bản thân cả đối tượng và công cụ sử dụng vẫn rất khó luận giải. Ông gợi ý cần có một lý thuyết về tâm thức, nếu không chúng ta không thể xử lý các dữ liệu có được ở phạm vi giá trị bề mặt.
Đức Đạt lai Lạt ma bình luận là rất hữu ích khi để tâm thức an trú trong vô niệm một khoảng thời gian, trước khi bắt đầu nhận thức bản chất của tâm và phát triển năng lực quán sát tâm, ví dụ như khi chúng ta muốn quan sát cơn giận giữ.
Trong bài trình bày về vai trò của tâm trong vật lý lượng tử, Arthur Zajonc đã mô tả về một loại hạt không có kích cỡ. So sánh về toán học với nghệ thuật của Shigefumi Mori dường như khó hiểu khi ông liên hệ mối tương quan giữa vẻ đẹp của một định đề hình học đại số với sự mô tả ánh sáng của Monet. Ông đặt câu hỏi điều gì đang diễn ra khi, không thể tìm thấy giải pháp cho vấn đề, thì bỗng một tư tưởng tự nhiên xuất hiện trong tâm. Đức Đạt Lai lạt ma gợi ý, điều này có thể liên quan tới các công việc đã diễn ra trước thời điểm đó và cho rằng có những vấn đề không thể giải quyết vào ban ngày nhưng có thể giải quyết trong thời gian giấc mơ. Ngài cho rằng, đó là vì trong thời gian giấc mơ, ý thức giác quan không hoạt động.
Arthur Zajonc đặt tầm quan trọng sức mạnh của tư tưởng, những đặc tính rõ ràng và chính xác của tư tưởng. Ông chỉ ra rằng lý thuyết tương đối của Einstein đã không hình thành như là kết quả của công việc hoặc các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Ông đi tới kết luận đó là do sức mạnh của tư tưởng.
Giáo sư Tâm lý học Shinobu Kitayama, người gốc Nhật Bản, đại học Michigan, đã thuyết trình về vấn đề Khoa học Thần kinh-Văn hóa, với việc đặt tầm quan trọng của bối cảnh văn hóa cho sự hiểu biết về tâm thức con người.
Làm rõ nội hàm của Khoa học Thần kinh – Văn hóa, ông cho rằng mặc dù nhân loại là nhất thể, nhưng các biểu hiện rất đa dạng. Biến đổi trong các dạng thức văn hóa kết hợp với hệ thần kinh cho kết luận, bộ não có thể được hình thành bởi bối cảnh văn hóa. Bộ não không phải là một thực thể tĩnh tại, mà có thể thay đổi như một chức năng của kinh nghiệm. Nó có thể được hình thành bởi các yếu tố sinh thái, môi trường và văn hóa. Là một cơ quan sinh học, bộ não cũng phụ thuộc vào những ảnh hưởng di truyền và nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể thay đổi theo văn hóa và xã hội.
Giáo sư Kitayama cho rằng có những khác biệt trong quan điểm về bản ngã. Ở phương Tây, trong phạm vi nghiên cứu của ông là châu Âu và Bắc Mỹ, cho bản ngã là thực thể độc lập. Nhưng ở những nơi khác trên thế giới, như châu Á, lại cho bản ngã chủ yếu có mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau với các yếu tố khác. Ông trích dẫn số liệu thử nghiệm cho thấy có sự khác biệt trong phản ứng về lợi ích giữa người phương Tây và người châu Á. Người phương Tây có phản ứng tiêu cực khi đặt vấn đề lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân, trong khi điều này không thấy ở người châu Á.
Đức Đạt lai Lạt ma không đồng tình với kết luận này và cho rằng không thể khái quát như vậy được, bởi vì trên thực tế rõ ràng là có nhều người Mỹ rất vị tha trong khi có nhiều người châu Á vẫn nghĩ mình là trung tâm. Ngài gợi ý nên có những nghiên cứu thêm về châu Phi, và sự phân biệt giữa những người sống ở các thành thị và nông thôn. Và cũng sẽ rất thú vị nếu chỉ ra được sự khác biệt giữa nam và nữ trong vấn đề này.
Tiếp đến, Thiền sư Joan Halifax dòng Roshi, người đã giành trên 40 năm làm việc với những người hấp hối, đã thuyết trình về rèn luyện tâm từ bi. Bà cho rằng lòng từ bi nên được coi là khả năng tham dự vào những kinh nghiệm của những người khác, chia sẻ, quan tâm và mong muốn trợ giúp họ. Từ bi cũng có thể được mô tả là việc chăm sóc cho những người đang khổ đau với một động cơ làm vơi nỗi đau của họ. Bà đưa ra một hệ sơ đồ rèn luyện tâm từ bi giúp đào tạo những nhân viên và các chuyên gia y tế. Bà cho rằng tâm từ bi là một quá trình. Các khóa rèn luyện cho thấy trên thực tế, những người chăm sóc và các bác sĩ cũng có thể kiệt sức và chính họ cũng có nhu cầu chăm sóc bản thân.
Người thuyết trình thứ ba trong buổi sáng, Shinsuke Shimojo, giáo sư Tâm lý học thực nghiệm tại Viện Công nghệ California, ông đã nhận được một số giải thưởng của Nhật Bản đưa ra minh họa tâm thức giống như một tảng băng trôi. Ông cho rằng, rõ ràng ý thức chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần tâm thức rộng lớn hơn tiềm ẩn bên dưới bề mặt. Nhiều khía cạnh của tâm thức con người, khoa tâm lý và thần kinh truyền thống đã gặp khó khăn khi giải quyết. Tính cách của một cá nhân và nhiều quyết định đưa ra phải được hiểu trong bối cảnh xã hội năng động, đặc biệt là sự tương tác hai chiều giữa bộ não và môi trường xã hội. Đây là những lĩnh vực mà các tiến trình tinh thần tiềm ẩn bên trong đóng một vai trò quan trọng.
Giáo sư Shimojo cũng nói về một hiện trạng trong đời sống tinh thần Nhật Bản hiện nay đó là căn bệnh trầm cảm gây rất nhiều khổ đau trong xã hội. Một căn bệnh theo tính toán làm thiệt hại chi phí nền kinh tế hàng chục tỷ USD. Ông cho rằng thảm họa hạt nhân Fukushima ngày 11 tháng ba là một trong những cuộc khủng hoảng đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc hơn về các khía cạnh tiềm ẩn của tâm.
Đức Đạt Lai Lạt ma đặt một câu hỏi. Ngài có những người đệ tử đã đạt tới mức độ có thể định tâm vào một đối tượng trong 3 đến 4 giờ. Điều này là có thể? Các yếu tố môi trường khác nhau không ảnh hưởng tới định lực của những thiền sư, các ngài vẫn có thể tiếp tục thực hành ngay cả tại một thành phố lớn. Thông qua rèn luyện, ta có thể luôn tĩnh tại trong suốt 24 giờ mỗi ngày.
Đức Đạt lại Lạt ma cũng nhấn mạnh rằng, tâm từ bi cần phải đi song hành với trí tuệ. Từ bi mà không có trí tuệ là sự yếu đuối. Ngài nói: “Chúng ta là động vật xã hội và chúng ta không tồn tại trong sự tách biệt. Chúng ta là một phần của một tổng thể lớn hơn. Điều này đúng với cả Nhật Bản và Tây Tạng. Khi mọi người đến thỉnh cầu tôi về những vấn đề khó khăn của họ, đôi khi tôi chia sẻ với họ về những rắc rồi mà tôi cũng đang phải đối mặt, để giúp họ một cái nhìn rộng lớn hơn và ý thức rằng họ không đơn độc.”
Tiến sĩ Barry Kerzin đưa ra một chuỗi tràng biểu thị cho tâm thức, sợi dây biểu thị cho tính liên tục và các hạt là các khoảnh khắc lần lượt kế tiếp nhau của tâm. Vòng tròn biểu thị tâm không có điểm đầu cũng không có điểm kết thúc. Ông tiếp tục luận giải quan điểm Phật giáo cổ điển về 6 tâm vương và 51 tâm sở. Trong các tâm vương, 5 tâm liên quan tới giác quan, tâm thứ sáu liên quan tới thức. Có thể phân chia tâm ở mức độ thô lậu, vi tế và vô cùng vi tế. Tâm thô lậu là tâm thông thường ở bình diện bề mặt mà chúng ta dễ nhận thấy trong trải nghiệm hàng ngày; tâm vi tế, ví dụ như, tâm hiện khởi trong thời gian giấc mơ khi các giác quan không hoạt động. Tâm vô cùng vi tế diễn ra trong giấc ngủ sâu. Thông qua rèn luyện, những tâm thức tiềm ẩn này có thể được hiển thị. Tâm thức vi tế nhất ở trạng thái bất nhị, không khái niệm, tại thời điểm chết cũng sẽ hiển thị.
Tiến sĩ Kerzin không chỉ mô tả 8 linh kiến phân rã ở thời điểm chết mà còn cung cấp hình ảnh minh họa chi tiết. Những linh kiến này bao gồm một hình ảnh giống như ảo ảnh, một cuộn khói bốc lên, tia lửa giống như đom đóm, một ánh đèn trong một căn phòng tối, ánh sáng của mặt trăng, màu đỏ tăng dần giống như hoàng hôn, màu đen nhạt và cuối cùng là một ánh sáng rực rỡ. Ông nói rằng những hành giả thành tựu có thể nhập định, an trú trong ánh sáng rực rỡ này một thời gian dài sau khi chết lâm sàng diễn ra.
Đức Đạt lai Lạt ma cho rằng, “sự bất nhị mà tiến sĩ vừa thuyết trình cần được hiểu là không còn phân biệt giữa chủ và khách thể nữa.”
Sau 20 năm giảng dạy tâm lý học lâm sàng ở New York, Junko Tanaka – Matsumi hiện là Trưởng khoa Nhân văn, Đại học Kwansei Gakuin. Bà trình bày về vấn đề kiến lập bản đồ tâm thức của trẻ con, bắt đầu với quan điểm cho rằng tâm của trẻ thay đổi từng thời khắc. Bà chỉ ra rằng, Nhật Bản đứng thứ hai trên thế giới về cung cấp giáo dục – khoa học thì có vẻ như hệ thống giáo dục Nhật Bản đều hoàn hảo. Tuy nhiên, trong lớp học, có nhiều trẻ em không thể theo được những gì giáo viên dạy. Chúng có hành vi gây rối như không ngồi im một chỗ. Do cách tiếp cận đồng mọi trẻ nên đã không có sự trợ giúp hay quy định riêng đối với chúng. Bà đưa ra gợi ý, cần thực hiện các bước đơn giản như để trợ giúp hiệu quả cho các trẻ em đặc biệt. Củng cố các hành vi tích cực ở trẻ em cũng làm tăng lòng tự trọng của chúng.
Bài thuyết trình cuối cùng được thực hiện bởi Tiến sĩ Makoto Nagao, ông tốt nghiệp Đại học Kyoto, tiếp tục việc nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phiên dịch máy. Ông cho rằng các chức năng của tâm được sơ đồ hóa và hiển thị tốt nhất thông qua hình thức hội thoại, và có thể áp dụng quan điểm này vào các khu vực đặc biệt để phát triển các rô-bốt chăm sóc cho người bệnh. Loại rô-bốt như vậy sẽ có thể trò chuyện với những người mà chúng đang chăm sóc. Quan trọng hơn chúng có thể tạo ra phản ứng, tự suy luận và đưa ra phương án trả lời thích hợp để đáp ứng nhu cầu của con người. Tiến sĩ Nagao cho rằng việc phát triển hệ thống đối thoại rô-bốt sẽ không chỉ giúp những người đang cần được chăm sóc mà còn có thể giúp làm rõ tâm thức phản ứng với các kích thích bên ngoài như thế nào, qua đó giúp hiểu biết hơn về các chức năng tinh thần. Đây sẽ là một con đường khá độc đáo để thiết lập bản đồ tâm.
Tiến sĩ Nagao khẳng định rô-bốt có thể được thiết kế theo nhiều mục đích sử dụng, như chăm sóc người bệnh, chữa cháy hoặc đối phó với hệ thống cài đặt hạt nhân bị hư hỏng. Đức Đạt lai Lạt ma cười hài hước rằng, tất nhiên là một rô-bốt sẽ không thể hiển thị tình cảm như con người được, nhưng ít nhất nó sẽ không tức giận như chúng ta.
Cuối cùng, Đức Đạt lai Lạt ma đã kết luận:”Tôi luôn luôn nghĩ đến 7 tỷ con người đang sinh sống ngày nay, về mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần đều giống nhau. Bên ngoài có thể có những thứ khác biệt, nhưng thậm chí từ vài ngàn năm trước cảm xúc của chúng ta vẫn như vậy. Đức Phật từng một là con người thường như chúng ta, nhưng thông qua tinh tiến vượt bực và hóa giải các chướng ngại, ngài đã chuyển hóa thân tâm mình. Trong 30 năm nay, thông qua quan hệ đối tác với các nhà khoa học, chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều hữu ích và tôi tin quý vị, các nhà khoa học cũng học hỏi được nhiều điều về tâm thức. Chúng ta đang nỗ lực để đưa một chương trình về đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục. Các nhà khoa học tham gia dự án này không phải vì mong muốn được phần thưởng vật chất, mà bởi vì lợi ích dài hạn mà nó sẽ mang lại. Mục đích của chúng ta là mang lại sự an lạc hơn cho con người và điều này sẽ không thể đạt được chỉ qua lời cầu nguyện hoặc mong muốn thuần túy mà phải bằng cách học hỏi để chuyển hóa những phiền não nơi mỗi người.”
Một đề xuất được đưa lên cho các thành viên tham gia hội đàm, giúp góp phần đưa ra một số giải pháp cho các vấn đề phát sinh từ tai nạn hạt nhân Fukushima. Đức Đạt lai Lạt ma nói rằng, ngài vừa viếng thăm Sendai. Ngài chưa có giải pháp tức thời cho tình hình này bởi vì toàn bộ vấn đề hạt nhân và sản xuất năng lượng rất phức tạp. Ngài mong chờ trong tương lai có thể dựa nhiều hơn vào nguồn năng lượng mặt trời.
Jigme Kelden dịch
Theo Dalailama.com
(Lược dịch từ nội dung cuộc hội thảo về chủ đề “Thiết lập bản đồ tâm thức” do Đức Dalai Lama chủ trì
vào ngày 11 và 12 tháng 4 năm 2014 tại Tokyo, Nhật Bản)
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Chuyện cổ Phật gia: Lòng tham còn nguy hại hơn thuốc độc
Thời Ðức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng tôn giả A Nan đi du hóa tại một vùng quê. Ðức Phật đang đi trên đường, bỗng Ngài bước
Thế nào gọi là Phật tử, khái niệm về bốn dấu ấn trong Phật giáo
Câu hỏi nêu lên có vẻ rất đơn giản, nhưng thật ra lời giải đáp khá phức tạp, bởi vì không phải « theo » Phật giáo là đương nhiên
Talkshow TÔI LÀ PHẬT TỬ – SỐ 26 : ĐẠO LÀM CON
Nhân vật: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung MC. Quốc Bình, Tư vấn Phật pháp SC. HUỆ ĐỨC. TÔI LÀ PHẬT TỬ – SỐ 26Chủ đề: ĐẠO LÀM CONNhân vật: Nhạc