Giải pháp nào để chấm dứt nạn giả sư khất thực?
QATV.VN – Nạn giả trang tu sĩ Phật giáo (giả sư) ngày càng biến tướng, không chỉ đi khất thực phi pháp, mà còn mạo danh xây chùa tạo tượng, làm từ thiện…, đến các tư gia Phật tử quyên góp, bán nhang, xem bói… kiếm tiền bằng việc giả sư, lợi dụng tình cảm tôn giáo của người dân đối với đạo Phật.
Phần lớn những đối tượng này tạm trú ở địa phương và có giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên các đối tượng lại đi khất thực ở địa bàn khác nên việc phát hiện và xử lý là rất khó. Đối với những trường hợp này, phải bắt tận tay mới có cơ sở xử phạt, do đó rất cần sự hợp tác thông tin từ phía người dân, cơ quan báo về hành tung hoạt động của sư giả.
Đối tượng giả sư khất thực ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, ngày 7-7-2015,
sau đó bắt các tuyến xe buýt về bến xe Long An (TP.Tân An) – Ảnh: ND
Vấn nạn nhức nhối này cũng đã được nêu ra trong các chương trình nghị sự của Giáo hội, đặc biệt đã được đưa vào một trong chín nội dung Nghị quyết của Hội nghị Tăng sự toàn quốc vừa qua.
Sau phóng sự trong chuyên mục Câu chuyện trong tuần ở kỳ trước, phóng viên Giác Ngộ đã có trao đổi với chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN đại diện các hệ phái về vấn nạn giả sư với các biến tướng của nó đã ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng đoàn nói riêng và Phật giáo nói chung.
– HT.THÍCH THIỆN TÁNH, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM: “Sắp tới, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ có cuộc họp về vấn đề này”
Vấn đề khất thực nói chung là truyền thống của Phật giáo từ thời Đức Phật đến giờ. Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), hoạt động khất thực của Phật giáo ở Việt Nam tạm ngưng, thỉnh thoảng bên hệ phái Khất sĩ Việt Nam vẫn thực hiện, nhưng theo luật quy định thì chỉ đi khất thực từ sáng 7 giờ đến 9 giờ là về trụ xứ.
Hiện nay, có một số đối tượng thay vì đi xin một ngày không được bao nhiêu, nhưng khi mặc chiếc áo thầy tu vào thì được Phật tử “cúng dường” nhiều hơn, cho nên họ lợi dụng hình thức này để lấy tiền xài. Hiện nay Giáo hội không tổ chức để Tăng Ni đi khất thực nữa, không có chủ trương đi khất thực.
Ngoài giả danh tu sĩ khất thực, những người này còn lợi dụng hình thức đi bán nhang. Đây cũng là hình thức lợi dụng chiếc áo để kiếm tiền.
Trách nhiệm lớn trong vấn đề này phải nói trực tiếp là Ban Tăng sự, Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát và Ban Hoằng pháp. Muốn giải quyết vấn nạn đó, bốn ban ngành chuyên môn trên phải kết hợp với nhau.
Ban Hoằng pháp có trách nhiệm giải thích cho Phật tử về chủ trương của Giáo hội, trong những thời giảng pháp phải giải thích cho Phật tử biết, hạn chế vấn đề cúng dường khất thực, hiểu được đây là số người lợi dụng khất thực đi xin ăn. Và giải thích cho Phật tử hiểu, mình cúng cái này, mà không phải là người tu thật thì mình có tội, mình tạo điều kiện cho họ làm việc sai trái.
Làm việc này phải có sự kết hợp các ban, ngoài ra Phật giáo phải có sự kết hợp với cơ quan nhà nước, như tỉnh Đắk Nông đã làm, phải có sự kết hợp với chính quyền mới có hiệu quả.
Sắp tới, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ có cuộc họp về vấn đề này.
– HT.THÍCH GIÁC TOÀN, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ: “Hệ phái Khất sĩ chấp hành những quy định của UBND TP.HCM và Ban Trị sự PG TP về việc ngừng các hoạt động khất thực ở những nơi công cộng, ngoài đường phố trong giai đoạn hiện nay”
Đối với hệ phái Khất sĩ, Tăng Ni đi khất thực là để tạo duyên lành kết nối tâm đạo của bá tánh, những người chưa biết đạo để cho họ có dịp cảm nhận được phần nào hình ảnh Tăng đoàn giản dị qua việc đi khất thực – truyền thống có từ thời Đức Phật, nhằm tạo duyên biết đạo và đến với đạo, qua đó gieo duyên lành đến tất cả mọi người.
Chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ thực hành hạnh trì bình khất thực theo truyền thống chỉ đi vào buổi sáng, từ 7g tới 9g hoặc 10g là kết thúc, khi bát đầy là trở về, hoặc hôm nào không đầy bát thì cũng phải về, có ít dùng ít. Điều đặc biệt là chư Tăng Ni hệ phái không được nhận tiền khi đi khất thực, mà chỉ nhận đồ ăn thức uống chay.
Tuyệt nhiên không có Tăng Ni buổi chiều đi ngoài đường hoặc đến những nơi công cộng khất thực. Nhưng hiện nay, ngoài giờ giấc và những quy định trên, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều người “giả sư”, có những oai nghi không đúng như người tu thực hành hạnh khất thực, do vậy nhiều người dân không phân biệt được đâu là “sư thật”, đâu là “giả sư” nên đã vô tình “cúng dường” cho các đối tượng này.
Riêng với Hệ phái Khất sĩ, để hạn chế tình trạng giả sư đi khất thực, cũng như chấp hành những quy định của UBND TP.HCM và Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM về nạn sư giả khất thực xin ăn, hệ phái cũng đã ngừng hoạt động khất thực ở những nơi công cộng, ngoài đường phố trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, trong các buổi thuyết giảng, các giảng sư thuộc hệ phái cũng đã giúp Phật tử hiểu được thế nào là Tăng Ni khất thực đúng pháp, cách cúng dường như thế nào để cho có phước, như thế nào là phi pháp, v.v… Và chúng tôi cũng nói cho Phật tử biết những quy định cụ thể, các chủ trương của Giáo hội và Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc khất thực trong giai đoạn hiện nay.
Từ những hoạt động đó, thiết nghĩ Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM nói riêng và các Ban Trị sự tỉnh thành khác nói chung cần hưởng ứng với các ngành chức năng có phương án kết hợp thực hiện nhằm chấm dứt nạn giả sư khất thực, để tránh tình trạng dư luận hiểu sai về hạnh tu – nét đẹp của Tăng đoàn có từ thời Đức Phật.
Hình ảnh chư Tăng đi khất thực cũng đã là trở thành nét đẹp truyền thống của Hệ phái Khất sĩ. Nhà sư khất sĩ sống ở tịnh xá, đi chân đất, ăn chay trường, đi trì bình du tăng hóa đạo theo tiêu chí không dừng chân bất cứ nơi nào trong thế gian, ăn đúng ngọ, không ăn phi thời, như hình ảnh cao đẹp của Đức Thế Tôn và chúng đệ tử xuất gia ngày xưa. Mong rằng đến một thời điểm nhân duyên phù hợp nào đó, nét đẹp truyền thống này hiện thân vào cuộc đời một cách đúng nghĩa, không bị những người giả sư vì mục đích xin tiền làm hoen ố, gây nên sự ngộ nhận tai hại của mọi người về đạo Phật, về người tu sĩ Phật giáo.
– HT.THÍCH THIỆN TÂM, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Giáo phẩm Hệ phái Nam tông Kinh: “Giáo hội nên có một thông tư chung để các tự viện hướng dẫn cho Phật tử”
Tại Việt Nam có ba hệ phái lớn là Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Trong sinh hoạt Tăng đoàn, các vị sư Nam tông có đi trì bình khất thực và không ăn chiều.
Đối với chư Tăng Nam tông, khất thực đúng pháp là từ 8 giờ đến 9 giờ, đi chân đất, không nhận tiền, không che dù… Chư Tăng đi khất thực phải về chùa trước giờ ngọ (12 giờ), sau khi thọ thực, nếu có sự cầu thỉnh của tín chủ thì quý sư thuyết pháp khuyến thiện; 13 giờ chỉ tịnh, chiều và tối học Phật pháp, thực tập thiền định…
Trong Hội thảo Ban Tăng sự toàn quốc vừa rồi tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), chư tôn đức cũng có bàn đến vấn đề khất thực phi pháp, cần phải có giải pháp về vấn nạn này. Có ý kiến cho rằng không thể mãi dừng truyền thống này được mà vẫn phải để chư Tăng duy trì hạnh khất thực. Nếu như vị Tăng nào đó trì bình khất thực thì cấp cho họ cái thẻ theo đúng quy định của Ban Tăng sự, được khất thực ở đâu, thời gian cụ thể, không đi khất thực trong chợ búa, không lấy đồ sống, đi đứng trang nghiêm…
Tôi nghĩ Giáo hội nên có một thông tư chung để các tự viện hướng dẫn cho Phật tử, rồi trong các cuộc họp của quận, huyện tại TP.HCM, tôi nghĩ nên có thông báo, để các chùa biết mà về thông báo cho Phật tử tại tự viện. Phải có chỉ đạo từ cấp Giáo hội có thẩm quyền thì các tự viện mới có cơ sở để thông báo rộng rãi đến Phật tử.
Nền kinh tế thị trường phát sinh ra đủ thứ chuyện, khi giải quyết chuyện này phải biết xử lý thông tin và nắm được tình hình thực tế. Chư Tăng Nam tông Kinh đi khất thực tại một số tỉnh như Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu… có nhiều vị là sư thiệt, trụ trì một ngôi chùa nhưng do ở nơi ít người biết, ít người cúng dường nên phải đi khất thực. Vì thế, khi xử lý vấn đề này mình nên xem lại, có cách nào đó để giúp đỡ cho các vị nơi này ổn định cuộc sống để tu tập.
Khất thực đối với chư Tăng là một việc làm đúng truyền thống Phật chế, đó là một hạnh rất tốt, là một pháp – hạnh tu tập cao quý, bây giờ bảo không đi khất thực nữa thì không được. Trong tình hình hiện nay, do có nhiều người giả sư khất thực nên các hệ phái mới hạn chế, vì thế cần có một giải pháp cụ thể để chấm dứt nạn đó, đồng thời tạo thuận duyên cho các chư Tăng duy trì hạnh này đúng pháp. Có thể sẽ giới hạn phạm vi khất thực, chỉ đi quanh khu vực chùa để gieo duyên… chẳng hạn.
Tôi nghĩ cách giải quyết vấn đề của tỉnh Đắk Nông vừa qua như báo Giác Ngộ đã đăng tải là rất hay, hoặc có thể tham khảo thêm cách mà các nước khác đã giải quyết vấn đề này như thế nào. Hơn nữa, tôi thấy vấn đề này cần có cuộc họp liên tịch giữa các hệ phái với các ban ngành Phật giáo có thẩm quyền để thống nhất với nhau nhằm giải quyết rốt ráo.
Như Danh – Vũ Giang thực hiện
Theo báo Giác Ngộ
Hiện tượng “sư giả” xuất hiện ở nhiều nơi
Ngày 9-7-2015, Giác Ngộ online đăng tin “Giả danh nhà sư lừa đảo 2 cây vàng” – sự việc xảy ra ở Nghệ An. Theo bài báo, trưa 8-7, chị Trần Thị Tú (34 tuổi), trú tại khối 16, phường Lê Lợi, TP.Vinh, Nghệ An đã đến Công an phường Lê Lợi để trình báo về việc mình vừa bị một người đàn ông giả danh nhà sư lừa đảo, chiếm đoạt tiền và vàng của chị.Trước đó, ngày 16-6-2015, Giác Ngộ online cũng có tin ở Nghệ An – bắt quả tang 2 đối tượng giả danh nhà sư đi bán nhang với giá cao. Bản tin cho biết, sau khi nhận được tin báo, Công an xã Quỳnh Long phối hợp ĐĐ.Thích Minh Hải, Phó Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, phụ trách Phật giáo huyện Quỳnh Lưu đã mời 2 đối tượng về trụ sở xã Quỳnh Long để kiểm tra và phát hiện sự việc giả sư, trục xuất hai đối tượng ra khỏi địa phương.
Ở địa phương khác – tại tỉnh Đắk Nông, chiều 20-3, nhận được tin báo của Phật tử có hai người hình thức tu sĩ Phật giáo đang đi bán nhang dạo, ĐĐ.Thích Quảng Hiền, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh đã kết hợp cùng công an thị xã Gia Nghĩa đưa hai đối tượng đó về trụ sở công an phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) để xác minh làm rõ về việc đi bán nhang dạo nói trên.
Trong bài trả lời phỏng vấn Giác Ngộ số 795 ra ngày 15-5-2015, ĐĐ.Thích Quảng Hiền khẳng định, “BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông có thành lập một tổ chuyên trách về vấn đề này. Thông thường thì chúng tôi luôn thông báo với Phật tử địa phương là nếu thấy hình bóng “quý sư” đi khất thực, hoặc “quý thầy” đi bán nhang thì điện thoại trực tiếp cho chúng tôi.
Khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ trực tiếp đi cùng 2 cư sĩ nam và đưa đối tượng về chùa, rồi mời công an đến cùng xử lý. Đôi khi nhận được thông tin, chúng tôi điện thoại trực tiếp cho công an, mời công an tham gia đi cùng với chúng tôi để đưa đối tượng về trụ sở công an làm việc”.
Sau bài báo trên Giác Ngộ số 807 (ra ngày 7-8-2015), bạn đọc Giác Ngộ và Phật tử bày tỏ mong muốn vấn nạn này sớm được có giải pháp xử lý triệt để để tránh làm ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của Giáo hội, Tăng đoàn…
Theo tổ phóng sự GNO
Thông tin tác giả
Bài viết bạn có thể thích
Pháp luật & tội bất hiếu
QATV.VN – Đối với người đã bị xử phạt hành chính về tội ngược đãi, hành hạ cha mẹ nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, người này sẽ bị truy cứu
TPHCM: Quan Âm Tu Viện tổ chức lễ vía Bồ tát Quan Thế Âm
QATV.VN – Nhân ngày vía Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, ngày 19/6/ÂL (Nhằm ngày 3/8/2015), Quan Âm Tu Viện đã long trọng tổ chức lễ vía của ngài. Để khuyến
Ban trị sự GHPGVN Quận Phú Nhuận đã long trọng cử hành lễ kính mừng Phật Đản PL. 2560 – DL2016
Ban trị sự GHPGVN Quận Phú Nhuận đã long trọng cử hành lễ kính mừng Phật Đản PL. 2560 – DL2016 vào lúc 17h00, ngày 18/05/2016 (12/04 Bính Thân) tại lễ đài